EVIDENCE-BASED CLINICAL PRACTICE GUIDELINE ON ANTIBIOTIC USE FOR THE URGENT MANAGEMENT OF PULPAL- AND PERIAPICAL-RELATED DENTAL PAIN AND INTRAORAL SWELLING: A REPORT FROM THE AMERICAN DENTAL ASSOCIATION
HƯỚNG DẪN THỰC HÀNH LÂM SÀNG DỰA TRÊN CHỨNG CỨ VỀ VIỆC SỬ DỤNG THUỐC KHÁNG SINH TRONG XỬ TRÍ KHẨN ĐAU RĂNG LIÊN QUAN TUỶ & VÙNG QUANH CHÓP VÀ SƯNG TRONG MIỆNG: BÁO CÁO CỦA HIỆP HỘI NHA KHOA HOA KỲ
Nguồn: https://ars.els-cdn.com/content/image/1-s2.0-S0002817719306178-fx1_lrg.jpg |
GIỚI THIỆU
Nhóm chuyên gia thuộc Hội đồng Sự vụ Khoa học của Hiệp hội Nha khoa Hoa Kỳ (American Dental Association Council on Scientific Affairs) và Trung tâm Nha khoa dựa trên chứng cứ (Center for Evidence-Based Dentistry) thực hiện một tổng quan hệ thống (systematic review) và các khuyến cáo lâm sàng hợp thức hoá trong việc xử trí khẩn (urgent management) viêm tuỷ không hồi phục triệu chứng (symptomatic irreversible pulpitis) có hoặc không kèm viêm quanh chóp triệu chứng (symptomatic apical periodontitis), hoại tử tuỷ (pulp necrosis) và viêm quanh chóp triệu chứng (symptomatic apical periodontitis), hoặc hoại tử tuỷ và áp xe quanh chóp cấp khu trú (localized acute apical abscess) sử dụng thuốc kháng sinh (antibiotics), hoặc đơn trị liệu hoặc để hỗ trợ điều trị nha khoa bảo tồn dứt điểm (definitive conservative dental treatment) trên người trưởng thành có khả năng miễn dịch (immunocompetent adults).
CÁC LOẠI NGHIÊN CỨU ĐƯỢC XEM XÉT
Các tác giả thực hiện tìm kiếm y văn trên MEDLINE, Embase, the Cochrane Library và the Cumulative Index to Nursing and Allied Health Literature để trích xuất chứng cứ về các lợi ích và tác hại liên quan đến việc sử dụng thuốc kháng sinh. Các tác giả đã sử dụng Bộ đánh giá và phân cấp các khuyến cáo (Grading of Recommendations Assessment, Development and Evaluation) để đánh giá độ tin cậy của chứng cứ và khung chứng cứ-quyết định (Evidence-to-Decision framework).
KẾT QUẢ
Nhóm chuyên gia đã thiết lập 5 khuyến cáo lâm sàng (clinical recommendation) và 2 tuyên bố thực hành tốt (good practice statement), mỗi nội dung tương ứng với các tình trạng cụ thể, trong đó điều trị nha khoa bảo tồn có hay không thể thực hiện ngay. Với những lợi ích bị phủ nhận và tác hại tiềm tàng lớn, nhóm chuyên gia khuyến cáo không sử dụng thuốc kháng sinh trong hầu hết kịch bản lâm sàng, bất chấp điều trị nha khoa bảo tồn có thực hiện được hay không. Nhóm chuyên gia khuyến cáo sử dụng thuốc kháng sinh trên bệnh nhân có ảnh hưởng toàn thân (như mệt mỏi, sốt) do các bệnh cảnh nha khoa hoặc khi nguy cơ xảy ra biến chứng toàn thân cao.
Khuyến cáo 1
Bác sĩ Răng Hàm Mặt không nên kê đơn thuốc kháng sinh toàn thân đường uống (oral systemic antibiotics) cho người trưởng thành có khả năng miễn dịch bị viêm tuỷ không hồi phục triệu chứng có/không viêm quanh chóp triệu chứng (mức khuyến cáo mạnh, độ chắc chắn thấp). Bác sĩ nên chuyển bệnh nhân điều trị nha khoa bảo tồn dứt điểm và theo dõi kỹ trong giai đoạn chờ chuyển bệnh.
Khuyến cáo 2A
Bác sĩ Răng Hàm Mặt không nên kê đơn thuốc kháng sinh toàn thân đường uống cho người trưởng thành có khả năng miễn dịch bị hoại tử tuỷ và viêm quanh chóp triệu chứng (khuyến cáo tuỳ điều kiện, độ chắc chắn rất thấp). Bác sĩ nên chuyển bệnh nhân điều trị nha khoa bảo tồn xác định và theo dõi trong giai đoạn chờ chuyển bệnh. Nếu không thể điều trị bảo tồn ngay, kê đơn trì hoãn amoxicillin đường uống (500mg, 3 lần/ngày, 3-7 ngày) hoặc penicillin V potassium đường uống (500mg, 4 lần/ngày, 3-7 ngày).
Khuyến cáo 2B
Bác sĩ Răng Hàm Mặt kê đơn amoxicillin đường uống (500mg, 3 lần/ngày, 3-7 ngày) hoặc penicillin V potassium đường uống (500mg, 4 lần/ngày, 3-7 ngày) cho người trưởng thành có khả năng miễn dịch bị hoại tử tuỷ và áp xe quanh chóp cấp khu trú (khuyến cáp tuỳ điều kiện, độ chắc chắn rất thấp). Bác sĩ cũng nên cung cấp điều trị nha khoa bảo tồn khẩn cấp, không nên trì hoãn.
Tuyên bố thực hành tốt 1
Bác sĩ Răng Hàm Mặt kê đơn amoxicillin đường uống (500mg, 3 lần/ngày, 3-7 ngày) hoặc penicillin V potassium đường uống (500mg, 4 lần/ngày, 3-7 ngày) cho người trưởng thành có khả năng miễn dịch bị hoại tử tuỷ và áp xe quanh chóp cấp kèm ảnh hưởng toàn thân. Bác sĩ cũng nên cung cấp điều trị nha khoa bảo tồn khẩn cấp, không nên trì hoãn. Nếu tình trạng lâm sàng trầm trọng hoặc nếu quan ngại về nhiễm trùng khoang sâu hơn (deeper space infection) hoặc đe doạ mạng sống tức thì, chuyển bệnh nhân đến khoa cấp cứu.
Khuyến cáo 3
Bác sĩ Răng Hàm Mặt không nên kê đơn thuốc kháng sinh toàn thân đường uống (oral systemic antibiotics) như là biện pháp hỗ trợ điều trị nha khoa bảo tồn dứt điểm cho người trưởng thành có khả năng miễn dịch bị hoại tử tuỷ và áp xe quanh chóp triệu chứng hoặc áp xe quanh chóp cấp khu trú (khuyến cáo mạnh, độ chắc chắn rất thấp).
Khuyến cáo 4
Bác sĩ Răng Hàm Mặt không nên kê đơn thuốc kháng sinh toàn thân đường uống (oral systemic antibiotics) như là biện pháp hỗ trợ điều trị nha khoa bảo tồn dứt điểm cho người trưởng thành có khả năng miễn dịch bị viêm tuỷ không hồi phục triệu chứng có/không viêm quanh chóp triệu chứng (mức khuyến cáo mạnh, độ chắc chắn thấp)
Tuyên bố thực hành tốt 2
Bác sĩ Răng Hàm Mặt thực hiện điều trị nha khoa bảo tồn khẩn kết hợp với kê đơn thuốc amoxicillin đường uống (500mg, 3 lần/ngày, 3-7 ngày) hoặc penicillin V potassium đường uống (500mg, 4 lần/ngày, 3-7 ngày) cho người trưởng thành có khả năng miễn dịch bị hoại tử tuỷ và áp xe quanh chóp cấp có ảnh hưởng toàn thân. Nếu tình trạng lâm sàng trầm trọng hoặc nếu quan ngại về nhiễm trùng khoang sâu hơn (deeper space infection) hoặc đe doạ mạng sống tức thì, chuyển bệnh nhân đến khoa cấp cứu.
Một số định nghĩa được sử dụng trong hướng dẫn
- Có khả năng miễn dịch (immunocompetent) được định nghĩa là khả năng của cơ thể tạo ra một phản ứng miễn dịch thích hợp đối với nhiễm trùng. Bệnh nhân suy giảm miễn dịch (immunocompromised patients) không đáp ứng các tiêu chí cho khuyến cáo này và họ có thể bao gồm, nhưng không giới hạn, bệnh nhân HIV/AIDS, ung thư (cancer), ghép tạng hoặc tế bào gốc (organ or stem cell transplants) và các tình trạng tự miễn (autoimmune conditions) đang dùng thuốc ức chế miễn dịch (immunosuppressive drugs).
- Viêm tuỷ không hồi phục triệu chứng (symptomatic irreversible pulpitis) đặc trưng bởi đau tự phát (spontaneous pain) có thể kéo dài kèm theo thay đổi nhiệt độ do tuỷ sống bị viêm mà không thể lành thương.
- Viêm quanh chóp triệu chứng (symptomatic apical periodontitis) đặc trưng bởi đau khi nhai (mastication), gõ (percussion) hoặc sờ (palpation) có hoặc không chứng cứ bệnh lý quanh chóp trên phim X quang và không sưng (swelling).
- Áp xe quanh chóp cấp khu trú (localized acute apical abscess) đặc trưng bởi đau tự phát, có thể đau khi nhai, gõ hoặc sờ, kèm theo hình thành mủ (purulent material), sưng tại chỗ (localized swelling) và không có chứng cứ ảnh hưởng đến khoang cân cơ (fascial space) hoặc hạch bạch huyết (lymph node), sốt (fever) hoặc mệt mỏi (malaise).
- Áp xe quanh chóp cấp có ảnh hưởng toàn thân (acute apical abscess with systemic involvement) đặc trưng bởi hoại tử tuỷ với đau tự phát, có hoặc không khi nhai, gõ hoặc sờ, kèm hình thành mủ, sưng, chứng cứ ảnh hưởng đến khoang cân cơ (fascial space) hoặc hạch bạch huyết (lymph node), sốt (fever) hoặc mệt mỏi (malaise).
- Điều trị nha khoa bảo tồn dứt điểm/loại bỏ nguyên nhân (definitive conservative dental treatment) đề cập đến các điều trị tuỷ không phẫu thuật (nonsurgical root canal treatment) hoặc rạch dẫn lưu áp xe (incision for drainage of abscess).
KẾT LUẬN VÀ ỨNG DỤNG TRONG THỰC HÀNH
Các chứng cứ gợi ý rằng thuốc kháng sinh cho các tình trạng cụ thể có thể không mang lại lợi ích và có khả năng góp thêm các nguy hại lớn. Nhóm chuyên gia gợi ý chỉ nên sử dụng thuốc kháng sinh cho các tình trạng cụ thể này khi có ảnh hưởng toàn thân và ưu tiên điều trị nha khoa bảo tồn ngay tức thì trong hầu hết ca lâm sàng.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S0002817719306178#tbl1
Nhận xét