ORAL POTENTIALLY MALIGNANT DISORDERS: NOMENCLATURE AND CLASSIFICATION
CẬP NHẬT PHÂN LOẠI VÀ THUẬT NGỮ VỀ RỐI LOẠN TIỀM NĂNG ÁC TÍNH VÙNG MIỆNG (WHO - 2020)
Tháng 3 năm 2020, Trung tâm Hợp tác về Ung thư hốc miệng của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Vương quốc Anh tổ chức workshop với sự tham dự của các chuyên gia để thảo luận về các thay đổi gần đây đối với các hiểu biết liên quan đến rối loạn tiềm năng ác tính vùng miệng (oral potentially malignant disorders – OPMD).
VỀ THUẬT NGỮ "RỐI LOẠN TIỀM NĂNG ÁC TÍNH VÙNG MIỆNG"
OPMD là “bất kỳ bất thường niêm mạc miệng nào có liên quan tới tăng nguy cơ phát triển ung thư hốc miệng về mặt thống kê.”
Sự hiện diện của OPMD cho thấy tăng nguy cơ ung thư môi và hốc miệng trong suốt đời sống của bệnh nhân nhưng chỉ có số ít tiến triển thành ung thư. Mặt khác, ở một số bệnh nhân có OPMD, có khả năng phát hiện carcinôm vi xâm lấn (microinvasive carcinoma) khi đánh giá ban đầu bằng sinh thiết. Bệnh nhân có dấu hiệu và triệu chứng lâm sàng rõ ràng gợi ý sự hiện diện của “carcinôm chắc chắn” (frank carcinoma) (tức là loét sâu, chồi sùi hoặc sượng cứng) không nên ghi nhận là OPMD.
Ý kiến chuyên gia tại workshop 2005 (đăng tải vào năm 2007) đề xuất chuyển các thuật ngữ được sử dụng trước đó là “tiền ung thư” (precancer), “tổn thương biểu mô tiền thân” (epithelial precursor lesions), “tiền ác tính” (premalignant), “tiền ung thư” (precancerous) và “tổn thương trong biểu mô” (intraepithelial lesion) thành OPMD.
Các tổn thương (lesions) và tình trạng (conditions) được gộp chung thành một tên là “các rối loạn” (disorders), với sự công nhận rằng thường có những thay đổi vùng tổ chức do hầu như toàn bộ đường hô hấp – tiêu hóa trên đều phơi nhiễm với các tác nhân sinh ung trong môi trường, và hầu hết mọi người có thể có những thay đổi mà ảnh hưởng đến nguy cơ phát triển ung thư.
“Tiềm năng ác tính” (potentially malignant) hàm ý rằng không phải tất cả bệnh nhân được chẩn đoán một trong các bất thường niêm mạc này sẽ phát triển thành tình trạng ác tính ở miệng. Cũng không có ý là carcinôm sẽ phát sinh chính xác ngay vị trí có OPMD đã được chẩn đoán trước đó. Gần đây, Speight, Khurram và Kujan đã bàn luận về tiến trình lâm sàng và sinh học quan sát được của các rối loạn này. Sự hiện diện của OPMD chỉ là một trong số các yếu tố gia tăng nguy cơ phát triển ung thư là một khái niệm quan trọng.
Cũng có đề xuất thay thế thuật ngữ OPMD bằng “tổn thương biểu mô tiềm năng tiền ác tính” (potentially premalignant oral epithelial lesion). Thuật ngữ “các rối loạn tiềm năng ác tính vùng miệng” hiện tại đã được xác lập rõ trong y văn với hơn 750 bài báo và Nhóm làm việc không tìm thấy lý do gì để thay đổi. Trong cả bài báo năm 2007 và hiện tại, Nhóm làm việc tranh luận về sự khác biệt giữa hai thuật ngữ “tiềm năng ác tính” (potentially malignant) và “tiền ác tính” (premalignant). “Tiềm năng ác tính” nhấn mạnh nguy cơ phát triển thành bướu ác sau đó không chắc chắn; “tiền ác tính” nghĩa là không thể tránh khỏi, chỉ là vấn đề thời gian. Hơn nữa, những thay đổi trong mô học không giới hạn ở biểu mô và do đó “tổn thương biểu mô” không phù hợp. Các tương tác giữa biểu mô – mô liên kết là cơ sở cho sự cân bằng nội mô (homeostasis) và bệnh tật, thay đổi ở mô liên kết là thành phần nổi bật trong nhiều rối loạn, trong đó có lichen phẳng niêm mạc miệng và xơ hóa dưới niêm mạc miệng.
CẬP NHẬT PHÂN LOẠI VÀ ĐỊNH NGHĨA VỀ CÁC RỐI LOẠN TIỀM NĂNG ÁC TÍNH VÙNG MIỆNG
Bảng 1 cung cấp các định nghĩa cho các rối loạn được liệt kê là OPMD.
ĐẶC ĐIỂM LÂM SÀNG VÀ CHẨN ĐOÁN PHÂN BIỆT CÁC RỐI LOẠN TIỀM NĂNG ÁC TÍNH VÙNG MIỆNG
LƯU Ý VỀ THUẬT NGỮ "BẠCH SẢN" VÀ "DÀY SỪNG"
Cần nhấn mạnh thuật ngữ "bạch sản" được dùng như một chẩn đoán lâm sàng sau khi đã loại trừ các tổn thương trắng hoặc trắng/đỏ trên lâm sàng khác.Trong quá trình khám một mảng trắng, cần tìm ra các nguyên nhân chấn thương tại chỗ. Nếu có thì không nên xem là bạch sản, mà thường chẩn đoán là dày sừng do ma sát. Dày sừng do ma sát thường có giới hạn không rõ và thường khỏi sau khi loại bỏ nguyên nhân.
Một số bác sĩ lâm sàng lại sử dụng sai thuật ngữ “dày sừng” để mô tả các tổn thương trắng trên lâm sàng. Chúng tôi không ủng hộ sử dụng thuật ngữ “dày sừng” như là một thuật ngữ lâm sàng trừ khi nó là một phần trong tên gọi của bệnh lý như dày sừng do ma sát. Y văn đã công bố đề cập đến các rối loạn khác có sử dụng thuật ngữ dày sừng trong tên gọi cần được định nghĩa rõ ràng như sau:
- Dày sừng do thuốc lá không khói (tobacco pouch keratosis, smokeless tobacco-induced keratosis): là một mảng trắng ở ngách hành lang phía má hàm dưới trên những người sử dụng thuốc lá không khói, tức là giữ thuốc lá tiếp xúc với niêm mạc tại vị trí đó. Hầu hết tổn thương này khỏi hẳn sau khi ngừng thói quen, trường hợp vẫn tồn tại nên xếp vào nhóm bạch sản. Chỉ định sinh thiết để kiểm tra và theo dõi diễn tiến của bệnh.
- Dày sừng dưới lưỡi (sublingual keratosis): là một mảng trắng ở sàn miệng hoặc bụng lưỡi, do nhóm của tác giả Kramer đặt tên vào năm 1978. Các tác giả này lưu ý một tỷ lệ lớn bệnh nhân của họ có tổn thương trắng dạng này phát triển thành SCC tại vị trí tương ứng. Các nghiên cứu sau đó không khẳng định được nguy cơ hóa ác cao được chỉ ra trong các nghiên cứu ban đầu, nhưng sàn miệng vẫn là vị trí nguy cơ cao và bạch sản ở vị trí này cần được theo dõi cẩn thận. Nhóm làm việc khuyến cáo rằng bất kỳ mảng trắng nào ở sàn miệng sau khi loại trừ các rối loạn đã biết nên xem xét là bạch sản về phương diện lâm sàng.
- Dày sừng do sanguinaria (sanguinaria-associated keratosis): là một mảng trắng riêng lẻ có thể do sử dụng một loại kem đánh răng và/hoặc nước súc miệng có chưa thành phần thảo dược bổ sung là sanguinaria. Sanguinaria là một alkaloid chính chiết xuất từ cây Sanguinuriu canadensis L. ở Ấn Độ. Loại dày sừng này hiếm thấy trong các báo cáo hiện này vì sản phẩm trên đã bị cấm. Tình trạng này không được xem là bạch sản vì có nguyên nhân xác định, và thường sẽ khỏi hẳn khi loại bỏ nguyên nhân.
- Dày sừng khẩu cái trên người hút thuốc ngược (palatal keratosis in reverse smokers): đây là một biểu hiện rất đặc biệt và được phân loại là một dạng OPMD riêng biệt, không phải là bạch sản. Dày sừng trên người hút thuốc ngược được xem là một rối loạn có nguy cơ hóa ác tương đối cao.
- Dày sừng không rõ nguyên nhân (keratosis of unknown significance): dùng chỉ những tổn thương dày sừng hoàn toàn về mặt mô học, không có hoặc có rất ít loạn sản biểu mô hoặc bất thường tế bào. Sử dụng thuật ngữ này trên lâm sàng là không hợp lý. Thực sự, có trên 50% tổn thương bạch sản thuộc vào phân loại mô học này. Nhóm làm việc không khuyến cáo sử dụng thuật ngữ “dày sừng không rõ nguyên nhân”.
Nhận xét