THE ROLE OF VITAMINS IN ORAL HEALTH

 VAI TRÒ CỦA VITAMIN VỚI SỨC KHỎE RĂNG MIỆNG

GIỚI THIỆU 

Vai trò của vitamin đã được biết đến nhiều trong bối cảnh y khoa. Tuy nhiên, các bằng chứng khoa học liên quan đến phương diện sức khỏe răng miệng vẫn chưa rõ ràng. Đó là lý do nhóm tác giả thực hiện tổng quan này để đánh giá mức độ bằng chứng về sử dụng vitamin liên quan đến các bệnh lý răng miệng thường gặp.
Vitamin là chất xúc tác (catalyst) cho tất cả các phản ứng chuyển hóa (metabolic reactions), sử dụng protein (đạm), chất béo và carbohydrates (đường) để duy trì năng lượng, sự phát triển và tế bào. Một lượng nhỏ các chất cơ bản này được cung cấp thông qua thức ăn. Các vitamin tan trong chất béo (fat-soluble vitamins) như A, D, E và K được lưu trữ tại gan và mô mỡ trong khi các vitamin tan trong nước (water-soluble vitamins) như B và C bị thải trừ nếu dư thừa.
Nói chung vitamin có vai trò quan trọng đối với sức khỏe răng miệng và toàn thân do đó sự mất cân bằng sẽ dẫn đến suy dinh dưỡng (malnutrition). Hoạt động nhai giúp con người trích xuất một lượng lớn nhất có thể chất dinh dưỡng trong khi sự phân bố cũng như số lượng răng lại quyết định hiệu suất ăn nhai (chewing efficacy). Hiện nay, y văn còn thiếu rất nhiều dữ liệu về ảnh hưởng của vitamin đối với sức khỏe răng miệng như tỷ lệ hiện mắc bệnh răng miệng (prevalence) do tình trạng thiếu các vitamin. Mất răng có thể chi phối đến thói quen lựa chọn thức ăn và tình trạng dinh dưỡng. Nồng độ vitamin D trong cơ thể cải thiện đáng kể trên những bệnh nhân trên 65 tuổi mất răng bán phần sau khi mang phục hình thay thế răng mất. 
Thiếu vitamin có thể liên quan đến một số biểu hiện ở miệng không đặc hiệu như viêm lưỡi (glossitis), viêm miệng (stomatitis) và loét niêm mạc (mucosal ulceration). Viêm lưỡi với các tổn thương dạng đường/sọc (glossitis with linear lesions) được cho là biểu hiện sớm do thiếu vitamin B12 (vitamin paucity).
Thiếu vitamin D (vitamin D deficiency) có thể đưa đến tình trạng giảm mật độ xương (reduced bone density), loãng xương (osteoporosis) và tiến triển bệnh lý nha chu; mặt khác, đảm bảo đủ lượng vitamin D có khả năng giảm bớt nguy cơ viêm nướu (gingivitis) và viêm nha chu (periodontitis); bởi vì vitamin hoạt động như một tác nhân điều hòa miễn dịch (immunomodulator), kháng viêm (anti-inflammatory agent) và chống tăng sinh (antiproliferative agent).
Trong thời kỳ phát triển, tình trạng dinh dưỡng và thiếu vitamin ảnh hưởng nghiêm trọng đến mô cứng của răng. Mối tương quan thuận giữa suy dinh dưỡng, thiểu sản men (enamel hypoplasia) và sâu răng (caries) trên bộ răng sữa đã được xác nhận trên trẻ em.
Tiếp xúc thường xuyên và kéo dài với các tác nhân acid có trong đồ ăn, thức uống, thuốc hoặc thực phẩm chức năng (food supplements) có thể gây mòn răng đáng kể. Viên nén vitamin C loại nhai (chewable vitamin C tablet) được báo cáo làm giảm pH đến 2, thấp hơn nhiều so với pH tới hạn (critical pH value) (5,5) để men răng không bị mất khoáng (enamel dissolution), điều này cho thấy mối liên hệ giữa vitamin C và mòn răng với chỉ số odd ratio là 1,16.
Mục tiêu của nghiên cứu này nhằm thực hiên một tổng quan hệ thống và phân tích meta các bài báo khoa học được công bố trong khoảng thời gian 20 năm trở lại đây, tìm hiểu mối liên hệ giữa vitamin và bệnh lý nướu/nha chu cũng như với các bệnh lý ở mô cứng như sâu răng, mòn răng và các khiếm khuyết phát triển.

VIÊM NƯỚU VÀ VITAMIN 

Vitamin nhóm B

Ba nghiên cứu đánh giá ảnh hưởng của vitamin B9 trên chỉ số nướu (gingival scores), hai trong số đó đánh giá độc lập vitamin này trong khi một nghiên cứu còn lại kết hợp vitamin B9 và B12. Vitamin B9 được sử dụng trên BN động kinh làm giảm triển dưỡng nướu do Phenytoin (Phenytoin-induced gingival overgrowth). Trong cả hai nghiên cứu bổ sung vitamin B9 làm giảm sự phát triển cũng như trì hoãn khởi phát triển dưỡng nướu. Mối liên hệ có ý nghĩa giữa vitamin B9 và chỉ số nướu trên người hút thuốc (p<0,01) so với nhóm không hút thuốc, trong khi không tìm thấy sự liên quan với vitamin B12. 
Bên cạnh đó, kem đánh răng chứa fluoride, vitamin B3 và provitamin B5 làm giảm vôi răng có ý nghĩa thống kê so với kem đáng răng fluoride không chứa các vitamin này (p=0,01).

Vitamin C 

Có năm nghiên cứu phân tích hiệu quả của vitamin C trên các thông số nướu (gingival parameters), ba trong số đó chỉ sử dụng vitamin C, hai nghiên cứu còn lại kết hợp vitamin C với các vi chất khác (micronutrients). Tất cả các nghiên cứu này đều sử dụng vitamin bằng đường uống, bao gồm kem đánh răng, thuốc bổ, kẹo cao su và thức ăn. Trong ba nghiên cứu đầu cho thấy vitamin C làm giảm chỉ số viêm ở nướu (gingival scores of inflammation)
Đối với nghiên cứu kết hợp vitamin C và chất khác, nồng độ vitamin C và B9 liên quan có ý nghĩa thống kê với chảy máu nướu khi thăm khám (p<0.01); vitamin A cũng có liên quan (p<0.05), nồng độ vitamin B1 và B2 liên quan đến viêm nướu ở trẻ vị thanh niên nữ, trong khi vitamin A và B3 không có sự liên quan.

Vitamin D 

Có 4 nghiên cứu đánh giá hiệu quả của vitamin D trên viêm nướu. Trong đó, một nghiên cứu tiến hành độc lập và ba nghiên cứu kết hợp với vitamin C hoặc B và E hoặc A, B1, B2, B6, B9, C, E trong chế độ ăn. Ghi nhận hiệu quả cải thiện chỉ số nướu phụ thuộc liều lượng vitamin (dose-dependent effect), cụ thể bổ sung vitamin D với liều 2000 đơn vị IU (International Unit) giúp cải thiện các chỉ số nướu so với liều thấp hơn (1000 IU và 500 IU). Hiệu quả tương tự cũng tìm thấy trên chế độ ăn 4 tuần giàu vitamin C, D, acid béo Omega-3 và các chất chống oxy hóa (antioxidants). Tất cả các chỉ số viêm (chỉ số nướu-gingival index, chảy máu khi thăm khám và diện tích bề mặt nha chu bị viêm-total periodontal inflamed surface area) giảm một nửa so với dữ liệu nền. Bổ sung đa vitamin (bao gồm vitamin D, C, E, B complex) trong 3 tháng cải thiện nhẹ tình trạng viêm ở nướu trên các sinh viên đang stress, vệ sinh răng miệng kém, so với các sinh viên bị stress không bổ sung dinh dưỡng. Bổ sung vi chất bao gồm vitamin A, B1, B2, B6, C, D, E trong chế độ ăn trong 6 tháng ở bệnh nhân đái tháo đường týp 2, giảm tần suất loét miệng và viêm nướu so với nhóm dùng giả dược (p<0,05).

VIÊM NHA CHU VÀ VITAMIN

Vitamin nhóm B

Bổ sung Vitamin B-complex giúp tăng bám dính lâm sàng (clinical attachment) và giảm thiểu các điều tố viêm (inflammatory mediators) có ý nghĩa thống kê so với nhóm dùng giả dược. Sử dụng công thức đa vitamin tiêu chuẩn (standard multivitamin formula) có hiệu quả giảm viêm ở mô nha chu còn khiêm tốn

Vitamin C 

Có bốn nghiên cứu đánh giá hiệu quả của vitamin C trên viêm nha chu. Hai trong số đó nhấn mạnh tình trạng giảm chảy máu nướu (gingival bleeding) khi sử dụng vitamin C trên các bệnh nhân bị viêm nha chu mạn tính (chronic periodontitis). Nghiên cứu cũng ghi nhận những người bị viêm nha chu mạn tiêu thụ ít trái cây và rau quả giàu vitamin C hơn so với người khỏe mạnh, khác biệt có ý nghĩa thống kê. Nồng độ trong huyết thanh của vitamin C, bilirubin và khả năng chống oxy hóa toàn bộ tương quan ngược với viêm nha chu, tương quan càng mạnh trên những ca bệnh nặng. Tức là bệnh nha chu càng nặng thì nồng độ vitamin C trong huyết thanh càng thấp.

Vitamin D

Các chỉ số bệnh lý (mức bám dính lâm sàng - clinical attachment level và/hoặc độ sâu túi thăm khám - probing pocket depth) giảm được ghi nhận trong năm bài báo, trong khi bốn nghiên cứu khác ghi nhận khác biệt không có ý nghĩa thống kê trên các bệnh nhân điều trị hormon cận giáp teriparatide. Nồng độ vitamin D huyết thanh thấp không có liên quan về mặt thống kê với viêm nha chu và mất răng trên phụ nữ mang thai và sau mãn kinh.
Có bốn nghiên cứu báo cáo về mối liên hệ giữa vitamin D và viêm nướu/viêm nha chu/mất răng trong một số thời kỳ đặc biệt của phụ nữ như mang thai, mãn kinh. Nồng độ vitamin D thấp trong nước bọt và huyết thanh có mối liên hệ có ý nghĩa thống kê với viêm nướu và viêm nha chu trong thai kỳ. Vitamin D có mối liên quan có ý nghĩa thống kê với viêm nha chu, nhưng không liên quan đến mất răng trên phụ nữ mãn kinh.

BỆNH LÝ MÔ CỨNG CỦA RĂNG VÀ VITAMIN

Vitamin nhóm A và B

Hai nghiên cứu báo cáo mối liên hệ giữa tiêu thụ đa vitamin với sâu răng ghi nhận các vitamin B2, B7, B12, C, E có liên hệ với sâu răng trong khi vitamin A không có. Nồng độ vitamin A nước bọt không có liên hệ có ý nghĩa thống kê với nguy cơ sâu răng. Tiêu thụ nhiều vitamin B12, riboflavin, pantothenic acid và nicotinic acid có mối tương quan với tỷ lệ sâu răng thấp ở trẻ 5 tuổi, nhưng không có ý nghĩa thống kê.

Vitamin C 

Hai nghiên cứu cắt ngang tìm thấy mối liên hệ giữa tiêu thụ vitamin C và mức độ sâu răng và mòn răng ở trẻ em. Mối liên hệ giữa vitamin C và tỷ lệ tổn thương sâu răng còn nhiều tranh cãi. Một nghiên cứu phát hiện bổ sung vitamin C trong nước uống có ga (soft drink) có mối tương quan dương với sâu răng ở trẻ em 12 tuổi. Một nghiên cứu khác bao gồm trẻ em từ 6-13 tuổi ghi nhận mối tương quan âm giữa vitamin C và E với nguy cơ sâu răng. 
Răng vĩnh viễn mới mọc có men răng chưa trưởng thành sẽ dễ nhạy cảm với acid từ chế độ ăn như nước có ga hoặc nước ép trái cây. Tiêu thụ vitamin C dạng thuốc bổ có mối liên hệ với khả năng xảy ra (occurence) mòn răng ở trẻ em. Ở trẻ trong độ tuổi từ 2-5 tuổi, bổ sung vitamin C giảm tỷ lệ mới mắc (incidence) mòn răng có ý nghĩa.
Nói chung, dữ liệu cho thấy tiêu thụ vitamin C có khả năng ảnh hưởng đến mòn răng ở trẻ.

Vitamin D 

Có 11 nghiên cứu tập trung vào vitamin D và sâu răng, sáu trong số đó là nghiên cứu quan sát, cho thấy mối liên hệ có ý nghĩa thống kê giữa nồng độ huyết thanh của vitamin D và tỷ lệ mới mắc hoặc tỷ lệ sâu răng trước đó. Điều trị bằng vitamin D trên trẻ em và phụ nụ mang thai có liên quan đến tỷ lệ sâu răng trong 5 nghiên cứu.
Trong giai đoạn răng sữa (dưới 8 tuổi), nồng độ huyết thanh vitamin D dường như có liên hệ với tỷ lệ sâu mất trám răng vĩnh viễn (DMFT) và nguy cơ sâu răng (caries risk) ở các năm tiếp theo. Trong giai đoạn thiếu niên sớm (10-11 tuổi), nồng độ huyết thanh vitamin D trên 50nmol có liên quan với tỷ lệ sâu răng cối lớn thứ nhất thấp hơn có ý nghĩa thống kê. Một nghiên cứu khác tìm thấy mối liên hệ trực tiếp giữa nồng độ vitamin D huyết thanh ở trẻ em, từ 6-17 tuổi. Các tác giả cũng nhận thấy tỷ lệ sâu mất trám răng vĩnh viễn giảm xuống 0,66 khi tăng nồng độ vitamin D mỗi 10ng/ml.
Tỷ lệ thiểu sản men (enamal hypoplasia) có thể có liên quan đến nồng độ vitamin D huyết thấp trong thai kỳ, trong khi tần suất MIH (hội chứng kém khoáng hóa men ở răng cối lớn và răng cửa - molar and incisive hypomineralization) có lẽ không bị ảnh hưởng bởi nồng độ vitamin D trong giai đoạn bào thai, sau sinh và răng sữa. Một nghiên cứu không tìm thấy mối liên quan giữa tỷ lệ khiếm khuyết men răng và vitamin D đối với trẻ sinh non giai đoạn 1-2 tuổi.
Một nghiên cứu trên nhóm trẻ 10-12 tuổi nhận thấy tiêu thụ thuốc bổ vitamin (nói chung) có lẽ không ảnh hưởng đến tần suất mòn răng, nhưng giảm được sự tiến triển mòn răng có ý nghĩa. Nói chung, suy dinh dưỡng và thiếu dinh dưỡng gia tăng nguy cơ xảy ra thiểu sản men ở trẻ em.

KẾT LUẬN 

Nhìn chung, mặt dù các y văn hiện tại cho thấy tầm quan trọng của vitamin trong phòng ngừa và điều trị bệnh lý vùng miệng, nhưng các bằng chứng hỗ trợ cho mối tương quan giữa vitamin và bệnh lý nướu/nha chu cũng như các bệnh lý mô cứng còn hạn chế. Chưa kể, đối với các nghiên cứu đa vitamin, rất khó để phân tích và đưa ra lợi ích đơn lẻ cho từng loại vitamin. Do đó, đến hiện tại, chưa thể đề xuất khuyến cáo chung về chế độ bổ sung dinh dưỡng hằng ngày cho mọi người để phòng ngừa các bệnh lý vùng miệng.
Tóm lại, các nghiên cứu tiến cứu trong thời gian tới về sức khỏe răng miệng và vitamin tập trung vào cơ chế sinh học chi tiết sẽ mở rộng hơn các ứng dụng trong nha khoa và y khoa.
Lời khuyên chung:
  • Bổ sung vitamin tự nhiên từ các loại thực phẩm trong chế độ hằng ngày, giúp nâng cao sức khỏe răng miệng
  • Chỉ sử dụng thực phẩm chức năng hoặc vitamin nồng độ cao theo hướng dẫn của bác sĩ dinh dưỡng hay chuyên khoa liên quan
  • Bác sĩ Răng Hàm Mặt cân nhắc khi kê toa thuốc có vitamin nếu bằng chứng liên quan đến bệnh răng miệng không rõ ràng

TÀI LIỆU THAM KHẢO 

  1. Bài báo lược dịch: https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/32028631/
  2. Ý nghĩa của odd ratios và relative risk: http://bomonnoiydhue.edu.vn/upload/file/lstk14_oddratio.pdf
  3. Các giai đoạn phát triển của trẻ: https://www.slideshare.net/youngunoistalented1995/cc-thi-k-ca-tui-tr-nhi-khoa



Nhận xét

Bài đăng phổ biến