SELECTING DRUGS FOR BREASTFEEDING DENTAL PATIENTS

LỰA CHỌN THUỐC ĐIỀU TRỊ RĂNG MIỆNG CHO PHỤ NỮ ĐANG CHO CON BÚ

Điều trị nội khoa cho bệnh nhân đang cho con bú/nuôi con bằng sữa mẹ là vấn đề mà bác sĩ Răng Hàm Mặt (BSRHM) luôn phải cân nhắc. Mục tiêu lựa chọn thuốc là điều trị hiệu quả các bệnh lý nha khoa cho bà mẹ, đồng thời không gây tác dụng bất lợi cho trẻ sơ sinh do lượng thuốc truyền qua sữa mẹ. Bài viết này tổng hợp bằng chứng liên quan đến sử dụng một số loại thuốc thường dùng trong Răng Hàm Mặt, góp phần giúp BSRHM thực hiện tốt công tác chữa bệnh cho đối tượng đặc biệt này.

Điều trị nội khoa trong Răng Hàm Mặt thường sử dụng các nhóm thuốc chính sau: thuốc giảm đau, thuốc kháng viêm, thuốc kháng sinh, thuốc kháng nấm. Ngoài ra, một số loại ít gặp hơn mà BSRHM có thể cần kê toa là thuốc kháng histamine, thuốc ức chế bơm proton và thuốc điều trị đau thần kinh.

THUỐC GIẢM ĐAU

Paracetamol[1]

Paracetamol là thuốc giảm đau đơn thuần (simple analgesic, painkiller) không có tác dụng kháng viêm. Thuốc có tác dụng giảm đau mức độ nhẹ đến trung bình và hạ sốt. Thuốc có thể sử dụng theo toa hoặc mua tại hiệu thuốc (không cần toa).

Mặc dù paracetamol được sử dụng rộng rãi để giảm đau trong tất cả nhóm tuổi nhưng hiện còn ít bằng chứng liên quan đến sử dụng thuốc cho phụ nữ đang cho con bú. Theo cập nhật của tổ chức Thông tin Dược phẩm Vương quốc Anh (UK Medicines Information - UKMi) (2020), lượng paracatemol trong sữa mẹ rất thấp và thấp hơn nhiều so với liều dùng trực tiếp cho trẻ sơ sinh. Hiện chưa có báo cáo nào liên quan đến tác dụng bất lợi cho trẻ sơ sinh khi tiếp xúc với paracetamol qua sữa mẹ, ngoại trừ một báo cáo ca lâm sàng liên quan đến phản ứng quá mẫn (hypersensitivity reaction) với paracetamol. Tuy nhiên, trong thời gian dài có mặt trên thị trường và được sử dụng rộng rãi, nguy cơ phản ứng bất lợi tương tự là cực kỳ hiếm gặp. Do đó, paracetamol vẫn là thuốc giảm đau ưu tiên dùng trong thời kỳ cho con bú, lưu ý áp dụng đối với trẻ sinh đủ tháng và khỏe mạnh.

Có nhiều dược phẩm kết hợp paracetamol với các hoạt chất khác như codeine, caffeine, diphenhydramine, ibuprofen, phenylephrine và pseudoephedrine. Do đó, cần cân nhắc tác dụng phụ của các hoạt chất này khi có ý định sử dụng cho phụ nữ đang nuôi con bằng sữa mẹ. Codeine bị chống chỉ định cho phụ nữ cho con bú; vì vậy, kể cả dạng kết hợp với paracetamol cũng nên tránh sử dụng trong thời kỳ này. Xem thêm mục Codeine.

Nên tránh sử dụng sản phẩm có chứa caffeine, đặc biệt là với trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, trong trường hợp bắt buộc, vẫn có thể sử dụng nhưng cần theo dõi kỹ vì trẻ có thể bị kích động (irritability) và khó ngủ. Liều 300-500mg/ngày có thể an toàn đối với hầu hết bà mẹ. Liều cao hơn thì nguy cơ kích động và mất ngủ của trẻ sẽ tăng. Tuy nhiên, đối với trẻ nhỏ dưới 5 tháng tuổi, do khả năng lọc của thận còn yếu nên tránh sử dụng caffeine nếu có thể. Ngoài ra, cũng cần chú ý tác động tích lũy và cộng gộp nếu sử dụng đồng thời các loại thức uống như trà, cà phê và cô-ca cô-la.

Lưu ý tương tự khi sử dụng sản phẩm kết hợp với diphenhydramine, phenylephrine và pseudoephedrine. Trường hợp bắt buộc, cần theo dõi trẻ có thể bị khó bú và buồn ngủ (diphenhydramine), khó bú, kích động và khó ngủ (phenylephrine và pseudoephedrine). Về mặt lý tưởng, nên tránh sử dụng trong thời kỳ cho con bú nhưng lượng nhỏ các hoạt chất này trong các sản phẩm kết hợp với paracetamol có thể không đủ để gây ra các tác dụng bất lợi cho trẻ.

Có thể sử dụng ibuprofen trong thời kỳ nuôi con bằng sữa mẹ. Vì vậy, dược phẩm kết hợp với paracetamol không có chống chỉ định. Xem thêm mục Ibuprofen.

Thuốc giảm đau opioid nhẹ (weak opioid)[2]

Hiện nay, cơ quan quản lý thuốc và sản phẩm y tế (Medicines and Healthcare Products Regulatory Authority - MHRA) của Vương quốc Anh và Cục Dược phẩm châu Âu (European Medicines Agency - EMA) chống chỉ định sử dụng codein cho phụ nữ đang cho con bú vì có báo cáo về trường hợp tử vong do ngộ độc morphine khi sử dụng codeine trong thời kỳ này. Theo phân tích, bà mẹ này là người có chuyển hóa CYP2D6 siêu nhanh (tức là khả năng chuyển đổi codeine thành morphine nhanh hơn nhiều lần so với người có mức độ chuyển hóa bình thường do mang hai hoặc nhiều gen CYP2D6). Hiện chưa có biện pháp đơn giản và rẻ tiền giúp xác định người có chuyển hóa CYP2D6 siêu nhanh, vì vậy, vẫn tiềm ẩn nguy cơ cho trẻ sơ sinh đối với tất cả phụ nữ. Các tác dụng bất lợi trên trẻ sơ sinh do codeine trong sữa mẹ là mạch nhanh, suy hô hấp, hôn mê, buồn ngủ, an thần, bú kém, khó thở và tím tái.

Có thể cân nhắc sử dụng dihydrocodeine và tramadol trong thời kỳ nuôi con bằng sữa mẹ. Có nhiều đường chuyển hóa dihydrocodeine, trong đó CYP2D6 chỉ chiếm một phần nhỏ. Còn tramadol được chuyển hóa thông qua các isoenzyme của cytochrome P450 là CYP3A4 và CYP2D6. Mặc dù có một ca báo cáo trẻ sơ sinh 2 ngày tuổi có tác dụng bất lợi khi bà mẹ sử dụng dihydrocodeine để giảm ho nhưng triệu chứng của trẻ biến mất sau 24 giờ, các bằng chứng hiện tại cho thấy thuốc này vẫn an toàn trên phụ nữ đang cho con bú. Tramadol được chấp nhận trên bà mẹ đang cho con bú vì nồng độ trong sữa thấp, thậm chí trên người chuyển hóa kém, và hiện chưa có báo cáo nào về tác dụng bất lợi trên trẻ nhỏ. Nên sử dụng liều thấp nhất đạt hiệu quả và trong thời gian ngắn nhất. Trường hợp sử dụng bất kỳ thuốc opioid nào trên 3 ngày cho phụ nữ đang cho con bú đều phải giám sát cẩn trọng. Cũng phải xem xét nguy cơ chuyển hóa siêu nhanh khi sử dụng dihydrocodeine và tramadol. Nếu có bất kỳ tác dụng bất lợi nào trên bà mẹ cũng có thể gợi ý đây là người có chuyển hóa siêu nhanh và nguy cơ cao hơn cho trẻ. Cần thông tin đầy đủ các vấn đề tiềm ẩn khi kê toa dihydrocodeine hoặc tramadol cho bà mẹ và khuyến cáo ngừng cho bú tạm thời nếu có bất kỳ triệu chứng nào, đồng thời đến gặp bác sĩ sớm nhất có thể để được tư vấn. Trẻ sơ sinh tiếp xúc với dihydrocodeine hoặc tramadol qua sữa mẹ cần được theo dõi các biểu hiện an thần, khó thở, táo bón, khó bú và tăng cân đầy đủ hay không. Trường hợp có tác dụng bất lợi trên trẻ đang bú nên thay thế opioid bằng các thuốc giảm đau không opioid và tạm ngừng cho bú đến khi triệu chứng biến mất hoàn toàn. Đặc biệt lưu ý đối với trẻ sơ sinh và dưới 2 tháng tuổi, vì chức năng men gan chưa hoàn thiện nên nguy cơ biến chứng nặng hơn nhiều so với trẻ lớn.

THUỐC KHÁNG VIÊM

Ibuprofen[3]

Ibuprofen là thuốc giảm đau và kháng viêm trong nhiều bệnh lý. Có thể dùng theo toa thuốc hoặc tự mua tại hiệu thuốc (không cần toa). Một số dược phẩm điều trị cảm cúm có chứa ibuprofen.

Tương tự paracetamol, mặc dù được sử dụng rộng rãi, nhưng hiện còn ít bằng chứng đã công bố liên quan đến sử dụng ibuprofen trên phụ nữ đang cho con bú. Theo các nghiên cứu hiện nay, lượng ibuprofen trong sữa mẹ rất thấp (tương đương với trường hợp dùng 100 microgram ibuprofen cho trẻ sơ sinh trong vòng 24 giờ) hoặc không phát hiện được. Cũng chưa có báo cáo nào liên quan đến tác dụng bất lợi của ibuprofen trong sữa mẹ trên trẻ sơ sinh. Vì vậy, ibuprofen hiện là một trong các lựa chọn giảm đau và kháng viêm cho phụ nữ đang nuôi con bằng sữa mẹ. Lưu ý, hướng dẫn này chỉ áp dụng cho trẻ sinh đủ tháng và khỏe mạnh. Cần đánh giá nguy cơ cụ thể trong trường hợp trẻ mắc bệnh bẩm sinh, sinh non hoặc mẹ đang dùng nhiều loại thuốc.

Corticosteroid[4]

Hiện thông tin sử dụng corticosteroid trong thời kỳ cho con bú rất ít mặc dù thuốc có hiện diện trong sữa mẹ. Nên tránh sử dụng liều cao kéo dài vì nguy cơ suy thận và các tác dụng bất lợi trên trẻ sơ sinh. Trong trường hợp bắt buộc, cần giám sát chức năng thận của trẻ. Mặc dù chưa có bằng chứng trực tiếp nhưng theo suy đoán, trong hầu hết trường hợp, khi sử dụng liều tối đa thì lượng thuốc trong sữa mẹ cũng tương đương với liều điều trị kháng viêm của prednisolone cho trẻ. Đối với trẻ có tình trạng sinh lý phức tạp như sinh non cần giám sát kỹ dù mẹ sử dụng corticosteroid liều thấp. Nói chung, bà mẹ dùng corticosteroid liều cao ngắn hạn thì lượng thuốc trẻ tiếp xúc qua sữa thấp.

KHÁNG SINH

Mạng lưới Nuôi con bằng sữa mẹ (Breastfeeding Network) của Vương quốc Anh nhấn mạnh nhìn chung không cần ngưng cho bú khi bà mẹ sử dụng kháng sinh. Lựa chọn kháng sinh trước hết cần dựa vào tác nhân nào gây bệnh, kèm lưu ý tiền sử dị ứng thuốc, ví dụ nổi mẩn ngứa khi sử dụng penicillin. Hầu hết kháng sinh có thể làm tăng nhu động ruột ở trẻ với biểu hiện tiêu chảy. Một số trẻ biểu hiện trầm trọng hơn như đau bụng. Các tác dụng này thường không có ý nghĩa đáng kể về mặt lâm sàng và không cần điều trị gì. Tiếp tục nuôi con bằng sữa mẹ có nhiều lợi ích hơn so với các bất lợi tạm thời khi dùng kháng sinh. Kháng sinh liều cao có khả năng thúc đẩy phát triển nấm Candida quá mức trên bà mẹ do giết chết các vi khuẩn đường ruột tự nhiên. Nhiều bà mẹ sử dụng các loại thực phẩm chức năng acidophilus hoặc yoghurt để giúp cân bằng lại hệ vi khuẩn. Sữa mẹ có đầy đủ các yếu tố sinh học cần thiết giúp đường ruột của trẻ lành thương.[5]

Các kháng sinh sau đây an toàn khi sử dụng trong thời kỳ nuôi con bằng sữa mẹ:[5]

  • Amoxycillin, Amoxil(R) 
  • Azithromycin, Zithromax(R) 
  • Cefaclor, Distaclor(R) 
  • Cefuroxime, Zinnat(R) 
  • Cephalexin, Cefalexin, Keflex(R) 
  • Cephradine, Velosef(R)
  • Clarithromycin, Klaricid(R)
  • Co-amoxiclav, Augmentin(R)
  • Co-fluampicil, Flucloxacillin + Ampicillin, Magnapen(R)
  • Erythromycin, Erymax(R), Erythrope(R), Erythocin(R)
  • Flucloxacillin, Floxapen(R)
  • Penicillin V, Phenoxymethyl penicillin
  • Trimethoprim, Monotrim(R)

Hiện chưa có bằng chứng đối với các loại kem, thuốc mỡ và gel kháng sinh bôi tại chỗ hấp thu đủ vào sữa mẹ. Nếu bôi thuốc ở núm vú thì chỉ cần lau sạch trước khi cho trẻ bú. Các loại kháng sinh dùng tại chỗ có thể sử dụng là Fusidic Acid (Fucidin(R)), Mupirocin (Bactroban(R)).5

Tetracycline

Trước đây, chống chỉ định sử dụng các kháng sinh họ tetracycline cho phụ nữ đang cho con bú vì có thể làm nhiễm màu răng trẻ sơ sinh, mặc dù thực tế chưa thấy. Sử dụng tetracyline ngắn hạn (dưới 1 tháng) không phải là vấn đề vì thuốc tạo phức hợp với canxi trong sữa mẹ và trẻ không hấp thu được. Nên tránh sử dụng dài hạn, chẳng hạn dùng điều trị mụn, nếu có thể.

Các kháng sinh thuộc họ tetracycline:

  • Tetracycline
  • Oxytetracycline
  • Minocycline (Minicin(R))
  • Doxycycline (Vibramycin(R))
  • Lymecycline (Tetralysal(R))

Metronidazole

Metroninazole là dẫn xuất của 5-nitroimidazole có hoạt tính kháng vi khuẩn kị khí và động vật nguyên sinh cao, dùng để điều trị và dự phòng các nhiễm trùng do các tác nhân này. Metronidazole hiện có bán ở dạng uống, tiêm tĩnh mạch, gel đặt hậu môn, âm đạo và gel/kem bôi tại chỗ. Dựa trên bằng chứng và kinh nghiệm lâm sàng, các chuyên gia thống nhất quan điểm không có nguy cơ gây đột biến hoặc sinh ung thư cho trẻ sơ sinh khi bà mẹ sử dụng metronidazole ngắn hạn qua bất kỳ đường dùng thuốc nào.[6]

Tại Hoa Kỳ, nếu sử dụng liều đơn độc 2g thì nên tạm ngưng cho con bú bằng sữa mẹ. Tại Vương quốc Anh, khi liều dùng đường uống 200-500mg 3 lần/ngày trong 7-10 ngày vẫn có thể cho trẻ bú bằng sữa mẹ; liều dùng duy nhất 2g/ngày trong 3 ngày tạo ra nồng độ  thuốc trong sữa cao hơn nhưng vẫn thấp so với ngưỡng điều trị cho trẻ vì vậy có thể cho bú bình thường. Nồng độ thuốc trong sữa mẹ khi dùng liều 400mg đường uống 3 lần/ngày là 15,52microgram/ml và liều dùng 200mg 3 lần/ngày là tương đương với liều dùng 3mg/kg/ngày cho trẻ nhỏ, thấp hơn so với liều điều trị kháng sinh metronidazole ở trẻ nhỏ là 22,5mg/kg/ngày.[6]

Sử dụng metronidazole tiêm tĩnh mạch có nồng độ thuốc trong huyết thanh và sữa tương đương đường uống, tuy nhiên, dữ liệu còn hạn chế. Sử dụng metronidazole qua đường hậu môn, âm đạo hay tại chỗ có nồng độ huyết thanh thấp hơn đáng kể so với đường uống, do đó, có thể xem là an toàn trong thời kỳ nuôi con bằng sữa mẹ.[6] 

Metronidazole (Flagyl(R)) được cho là tạo ra vị khó chịu cho sữa mẹ làm trẻ không muốn bú. Tuy nhiên, không truy xuất được các nghiên cứu về kết luận này hoặc ai là người thử vị sữa và đưa ra kết luận đó. Trẻ sơ sinh thường không quan tâm đến các thay đổi vị sữa mẹ diễn ra tự nhiên. Đôi khi thuốc có thể làm đổi màu sữa.[5]

Các tác dụng bất lợi cho trẻ đang bú sữa mẹ rất hiếm như đi phân lỏng, nhiễm nấm Candida và không dung nạp lactose. Metronidazole trong sữa có thể làm thay đổi hệ vi khuẩn miệng và đường ruột, do đó, cần giám sát các dấu hiệu nhiễm nấm Candida vùng miệng, tiêu chảy hoặc phát ban do quá mẫn. Do nồng độ metronidazole trong sữa rất thấp không đủ tác dụng kháng khuẩn cho trẻ, cần điều trị kháng sinh trực tiếp nếu trẻ bị nhiễm trùng. Thận trọng khi sử dụng metronidazole với trẻ sinh non, nhẹ cân hoặc có suy chức năng gan, thận.[6]

THUỐC KHÁNG NẤM

Fluconazole[7]

Fluconazole là tác nhân kháng nấm triazole ức chế chytochrome P450 của nấm, phụ thuộc enzyme lanosterol 14 α-demethylase, phá vỡ màng tế bào vi nấm và ngăn cản sự nhân lên của tế bào. Fluconazole có sinh khả dụng đường uống cao (>90%), ít liên kết với protein và có tính thấm vào mô tốt. Các nghiên cứu in vivo và in vitro cho thấy fluconazole có hoạt tính cao kháng các dòng nấm Candida. Liều sử dụng 1-12mg/kg/ngày cho trẻ em và 100-400mg/ngày cho người lớn, thời gian sử dụng từ vài ngày đến vài tháng tùy nhiễm trùng trên đối tượng nào (trẻ sinh non, trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ hay người lớn).

Liều tương đối cho trẻ sơ sinh (relative infant dose – RID) là một chỉ số quan trọng dự đoán tính an toàn khi dùng thuốc cho phụ nữ nuôi con bằng sữa mẹ, được tính bằng cách chia lượng thuốc trong sữa mà trẻ bú (mg/kg/ngày) cho liều dùng điều chỉnh theo cân nặng của bà mẹ (mg/kg/ngày). Nói chung, RID dưới 10% có thể xem là an toàn khi sử dụng cho bà mẹ. Mặc dù các dữ liệu hiện có cho thấy RID ước lượng của fluconazole cao hơn so với ngưỡng an toàn (17%), nhưng lượng thuốc mà trẻ hấp thu qua sữa (<0,6mg/kg/ngày) thấp hơn so với liều điều trị trực tiếp (1-12mg/kg/ngày đối với trẻ sinh non và 3-12mg/kg/ngày đối với trẻ sơ sinh). Do đó, có thể xem fluconazole an toàn trong thời kỳ cho con bú. Trường hợp bà mẹ sử dụng thuốc liều cao và kéo dài (tuần hoặc tháng) cần theo dõi chức năng gan của trẻ.

CÁC LOẠI THUỐC KHÁC

Thuốc ức chế bơm proton[8]

Thuốc ức chế bơm proton là nhóm thuốc làm giảm sản xuất axít dạ dày và cải thiện các triệu chứng của trào ngược axít, loét dạ dày và ruột, triệu chứng phổ biến là “ợ chua, ợ nóng” (heart burn). Một số thuốc ức chế bơm proton là dexlansoprazole (Dexilant®), omeprazole (Prilosec®), esomeprazole (Nexium®), lansoprazole (Prevacid®), pantoprazole (Protonix®) và rabeprazole (Aciphex®).

Các bằng chứng còn hạn chế cho thấy nồng độ omeprazole và pantoprazole trong sữa thấp. Ngoài ra, hầu hết các loại thuốc bị phá vỡ bởi axít dạ dày của trẻ nên không được hấp thu vào cơ thể. Chưa có báo cáo nào về tác dụng bất lợi ở trẻ khi bú sữa có omeprazole. Các bằng chứng dài hạn hiện không có. Có thể sử dụng các thuốc ức chế bơm proton trong thời gian nuôi còn bằng sữa mẹ nhưng cần thận trọng và giám sát các biểu hiện bất thường ở trẻ.

Thuốc kháng histamine[9]

Thuốc kháng histamine đường uống ức chế hoạt tính histamine của thụ thể H1 có hai thế hệ: thế hệ thứ nhất (gây an thần) và thế hệ thứ hai (hầu như không gây an thần), sử dụng trong điều trị dị ứng mũi như viêm mũi dị ứng theo mùa (seasonal allergic rhinitis), viêm mũi vận mạch (vasomotor rhinitis), nổi mày đay (urticaria) do côn trùng cắn, chích, ban mày đay (urticarial rashes), ngứa (pruritus) và dị ứng thuốc.

Nói chung, theo hướng dẫn của nhà sản xuất, không khuyên dùng các thuốc kháng histamine cho phụ nữ đang cho con bú, nhưng đây là một khuyến cáo quá mức, không dựa trên bằng chứng đủ chất lượng do thiếu dữ liệu về khả năng truyền qua sữa của thuốc.

Các nghiên cứu đối với thuốc kháng histamine không an thần như loratadine và cetirizine cho thấy nồng độ thuốc trong sữa thấp; do đó, có thể xem đây là các lựa chọn ưu tiên cho bà mẹ đang cho con bú. Mặc dù dữ liệu liên quan đến nồng độ fexefenadine trong sữa còn hạn chế nhưng các bằng chứng hiện có cho thấy có thể cân nhắc sử dụng trong trường hợp loratadine và cetirizine không đủ hiệu quả hay có chống chỉ định. Đối với các thuốc kháng histamine không an thần còn lại có thể sử dụng nhưng cần thận trọng.

Trường hợp cần sử dụng kháng histamine an thần, có thể chỉ định chlorphenamine nhưng phải giám sát các dấu hiệu buồn ngủ và khó chịu ở trẻ. Các thuốc kháng histamine an thần khác không có đủ dữ liệu đảm bảo an toàn khi sử dụng. Tuy nhiên, sử dụng liều nhỏ ngắn hạn khi cần có thể chấp nhận được. Khi sử dụng kháng histamine an thần, tránh chỉ định đồng thời các loại thuốc an thần khác.

Thuốc kháng histamine có thể làm giảm prolactin huyết thanh nhưng ở liều dùng thấp không tác động đến quá trình sản xuất sữa khi bà mẹ đã cho con bú. Tuy nhiên, nên tránh sử dụng cyproheptadine vì hiện có bằng chứng cho thấy thuốc ảnh hưởng đến quá trình sản xuất sữa mẹ. Hiện không có bằng chứng sử dụng thuốc kháng histamine trong thời kỳ nuôi con bằng sữa mẹ ở trẻ sinh non.

Thuốc chống động kinh[10]

Gabapentin thuộc nhóm thuốc chống động kinh dùng điều trị đau thần kinh, dự phòng đau nửa đầu (migraine) và hội chứng chân không nghỉ (restless legs syndrome. Gabapentin là một phân tử nhỏ, có trọng lượng phân tử là 171. Thuốc được hấp thu trong dạ dày và đường ruột bằng cơ chế bão hòa, với tính khả dụng sinh học đường uống giảm khi tăng liều. Lượng thuốc có tính khả dụng sinh học đường uống chiếm khoảng 60%. Thuốc chỉ liên kết rất ít với protein huyết tương. Hầu hết không bị chuyển hóa và thải ra ngoài dưới dạng không đổi qua nước tiểu. Do đó, thuốc có thể truyền qua sữa mẹ và hấp thu ở trẻ. Các dữ liệu còn hạn chế cho thấy lượng gabapentin đi qua sữa mẹ, nhưng nồng độ trong huyết thanh của trẻ bú sữa mẹ thấp hoặc không phát hiện được. Lượng gabapentin ước tính ở trẻ bú sữa mẹ khoảng 1,3-3,8% tổng liều điều trị theo cân nặng của mẹ.

Pregabalin thuộc nhóm thuốc chống động kinh dùng điều trị rối loạn lo âu, đau thần kinh và đau cân cơ (fibromyalgia). Pregabalin là một phân tử nhỏ, trọng lượng phân tử 159. Thuốc được hấp thu nhanh bằng đường uống và đạt nồng độ đỉnh trong huyết tương trong vòng 1,5 giờ. Pregabalin không kết hợp với protein huyết tương và không bị chuyển hóa. 98% liều dùng tiết ra ngoài qua nước tiểu dưới dạng không đổi. Thời gian bán thải của thuốc là 6,3 giờ. Do đó, có khả năng thuốc truyền qua sữa mẹ và hấp thu ở trẻ. Bằng chứng sử dụng pregabalin trong thời kỳ cho con bú còn hạn chế. Theo ước tính, lượng pregabalin trẻ hấp thu qua sữa mẹ chiếm khoảng 7% tổng liều điều trị theo cân nặng của mẹ.

Hiện chưa có ghi nhận tác dụng bất lợi nào ở trẻ khi tiếp xúc với gabapentin và pregabalin trong sữa mẹ. Nếu có chỉ định các thuốc này, cần theo dõi các tác dụng bất lợi ở dạ dày-đường ruột, thay đổi cảm giác thèm ăn, thay đổi cân nặng, buồn ngủ và các thời điểm phát triển quan trọng của trẻ. Nếu phát hiện trẻ không khỏe, cân nhắc cho ngừng bú đến khi xác định được nguyên nhân. Hầu hết gabapentin và pregabalin bài tiết ở thận; do đó, tránh sử dụng cho bà mẹ có con sinh non và suy thận.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. UKMI-QA_Can-breastfeeding-mothers-take-paracetamol-_update_April2020_FINAL.pdf. Accessed May 31, 2021

2. QA188_6_CodeineBM_FINAL.pdf. Accessed May 31, 2021. 

3. UKMI_QA_Can-breastfeeding-mothers-take-ibuprofen_update_May2020.pdf. Accessed May 31, 2021. 

4. Safety in Lactation: Corticosteroids. SPS - Specialist Pharmacy Service. Accessed May 31, 2021. 

5. Antibiotics and Breastfeeding.pdf. Accessed May 31, 2021. 

6. QA39_5_MetronidazoleBM_Final.pdf. Accessed May 31, 2021. 

7. Kaplan YC, Koren G, Ito S, Bozzo P. Fluconazole use during breastfeeding. Can Fam Physician. 2015;61(10):875-876. Accessed May 31, 2021. 

8. QA98_PPIs_BM.pdf. Accessed June 1, 2021. 

9. QA206-3_AntihistaminesBM_FINAL.pdf. Accessed May 31, 2021. 

10. Veroniki AA, Rios P, Cogo E, et al. Comparative safety of antiepileptic drugs for neurological development in children exposed during pregnancy and breast feeding: a systematic review and network meta-analysis. BMJ Open. 2017;7(7):e017248. doi:10.1136/bmjopen-2017-017248


Nhận xét

Chuồng của múp đã nói…
Vậy thuốc giảm đau đơn thuần ( ví dụ: flocfenin) thì sao ạ? Trên lâm sàng loại này với paracetamol nên ưu tiên sử dụng loại nào hơn ạ?
Harry nguyen đã nói…
Chào bạn,
Bạn muốn nói đến floctafenine? Răng Hàm Mặt hiếm khi kê toa thuốc này. Bài viết này cập nhật các thuốc thường sử dụng. Các loại thuốc như floctafenine có thể tra cứu trên mạng về tác dụng và lưu ý trên phụ nữ cho con bú. Cá nhân mình vẫn ưu tiên paracetamol .
Chuồng của múp đã nói…
Dạ vâng ạ. Em cảm ơn anh ạ. Bài viết hay lắm ạ, mong nhiều hơn những bài viết từ anh ạ. Chúc anh sức khỏe ạ!

Bài đăng phổ biến