BEING A STUDENT, TRY TO ORGANIZE A TALKSHOW EVENT

LÀ SINH VIÊN, 

BẠN NÊN THAM GIA TỔ CHỨC MỘT BUỔI TOẠ ĐÀM   


Chào các bạn trẻ!
Trong cuộc hành trình đi tìm con chữ tại xứ sở hoa anh đào, Harry không chỉ cố gắng hoàn thành việc học chuyên môn mà còn mong muốn tìm hiểu, trải nghiệm những điều thú vị tại đất nước này, để trả lời cho câu hỏi: Điều gì đã làm nên một Nhật Bản lớn mạnh như ngày hôm nay? 
Với Harry, đây là một câu hỏi lớn, sẽ dần được giải mã trong thời gian sắp tới. Nhưng chắc hẳn "con người" là một yếu tố không thể nào thiếu trong hành trình phát triển đó! Vì vậy, các bạn trẻ hãy dành thời gian tự bồi dưỡng bản thân, phát triển con người mình nhé!
Nhân một ngày mùa thu đẹp trời tại Đông Kinh, vừa cùng mấy bạn du học sinh cũng như sinh viên bản xứ làm xong cái sự kiện bé tí ti, ngẫm nghĩ và có đôi lời gửi tới các bạn trẻ (vì những ai không trẻ thì đã có nhiều kinh nghiệm đau thương rồi:)) - những người mà Harry luôn tin tưởng và mong muốn truyền đến các bạn những cảm hứng sống và làm việc tích cực. 
Các bạn sinh viên, nhất là khối ngành y khoa chắc hẳn sẽ rất áp lực với khối lượng kiến thức và lịch học, lịch thi dày đặc (Harry cũng đã và đang trải qua một thời như thế!!!). Nhưng có điều đừng bao giờ vùi mình trong sách vở mà quên đi những điều thú vị xung quanh. Nếu là sinh viên hãy một lần trong khoảng thời gian thanh xuân ấy tham gia vào công việc tổ chức một buổi nói chuyện, toạ đàm (talkshow, discussion) về chủ đề nào đó, dù to hay nhỏ cũng được, nếu là bằng tiếng Anh hay ngôn ngữ khác tiếng mẹ đẻ thì càng tốt. 
Vì sao ư? Vì cuộc sống và công việc sau tốt nghiệp của bạn không chỉ quẩn quanh với những kiến thức chuyên ngành mà mình được đào tạo. Trái lại, để thành công (tuỳ theo định hướng của từng người) hay ít nhất là để "sống tốt và sống sâu" mình cần rất nhiều thứ, một trong số đó có thể đến từ những sự kiện mà các bạn đang và sẽ tham gia trong khoảng thời gian thanh xuân ấy! 
Cùng Harry lướt qua một số điều thú vị từ hoạt động này nhé! 


KỸ NĂNG LÀM VIỆC NHÓM - GẮN KẾT TẬP THỂ 

Kỹ năng làm việc nhóm không phải là khái niệm mới mẻ, nhưng không phải bạn nào cũng nhận thức và thực hành được. Khi tổ chức sự kiện bạn buộc phải làm việc chung với một hoặc nhiều người không quen thuộc. Bạn sẽ thường xuyên đối diện với cảm giác khó chịu vì ý kiến của mình không được tôn trọng, hoặc buộc phải theo ý kiến số đông. Học cách đàm phán với chính bản thân là một điều quan trọng để guồng máy chung có thể hoạt động. Phải vượt qua được "cái tôi" trong suy nghĩ thì khi làm việc mới mang lại cho người khác sự thoải mái, dễ chịu. Khi đó, bạn sẽ cân bằng được giữa TỰ TẠO SỰ KHÁC BIỆT - TÔN TRỌNG SỰ KHÁC BIỆT, để mình không bị mờ nhạt hoặc tách biệt trong tập thể đó. 
Khi làm việc nhóm, cần chắc chắn rằng mọi người đã được phân công đúng sở trường và thấu hiểu tính chất công việc của mình. Đối thoại trực tiếp (nếu có thể) để làm rõ mọi khía cạnh vấn đề trước khi chuẩn bị không bao giờ là dư thừa. Có thể bạn đủ thông minh để hiểu, nhưng điều đó không có nghĩa mọi người đều hiểu, hoặc hiểu giống bạn, nếu không nói ra hoặc không được giải thích cặn kẽ trước khi tiến hành. Thậm chí, ngày nay, khi mạng xã hội và các phương tiện thông tin lên ngôi thì Harry nghĩ rằng cũng không thể thay thế giao tiếp trực tiếp. Vì chúng ta không cùng trực tuyến (online) tại một thời điểm trên facebook, zalo,...và khi lượng tin nhắn quá nhiều thì người đọc tin cũng chỉ lướt qua cho có lệ (đây là kinh nghiệm thực tế của Harry, mọi người đều thấy "seen" (đã xem) trong tin nhắn, nhưng khi hỏi thì không ai nắm rõ những nội dung đã được thông báo). 
Hơn nữa, một toạ đàm, thảo luận để tạo sự thu hút cho người nghe, cần có sự thay đổi liên tục hình thức truyền tải thông tin như video clip, trình chiếu, bảng, bút lông,... Nhưng hơn hết cần có người dẫn dắt, kết nối các nội dung như một câu chuyện và kết thúc bằng một thông điệp cụ thể, rõ ràng (take-home message). Muốn vậy không gì khác hơn là làm việc nhóm, đảm bảo mọi thông tin đều được xử lý và thông suốt trong toàn đội. Ngoài ra, một leader (người lãnh đạo) và một host (người dẫn dắt chương trình) là bộ đôi không thể nào thiếu nếu muốn chương trình thành công.


KỸ NĂNG LÀM VIỆC ĐỘC LẬP - THƯƠNG HIỆU CÁ NHÂN

Dù là một sự kiện bé tẹo tèo teo hay bự chành ành đi nữa, hãy luôn giữ thái độ nghiêm túc khi làm việc: chuẩn bị chu đáo trước khi chạy chương trình, kiểm tra các thiết bị, trình chiếu trước khi bắt đầu, suy nghĩ phương án dự phòng, kiểm soát thời gian, nắm rõ công việc của các bộ phận khác để liên hệ khi cần... Đó là những viên gạch tạo nên thương hiệu cá nhân của bạn. Đừng bao giờ có suy nghĩ trong đầu "Chuyện này đơn giản lắm, không cần lo đâu", vì bởi một hạt sạn bé ti trong tô cơm chà bá cũng có thể làm bữa ăn mất ngon, hoặc cần đến sự trợ giúp của nha sĩ. :) 
Dù nghiêm túc nhưng hãy thể hiện sự chân thành, quan tâm và chia sẻ khó khăn của những thành viên khác khi họ có vấn đề sẽ giúp chúng ta hiểu nhau hơn và hoàn thành tốt công việc được giao. Một câu hỏi thăm, một lời động viên sẽ có sức mạnh phi thường để các thành viên có thể vượt qua những khó khăn của chính họ. Cũng là cách để nắm bắt tình hình, thay đổi nhân sự khi cần thiết. Ngoài ra, cũng cần cởi mở, sẵn sàng tiếp nhận các ý kiến góp ý trước, trong và sau sự kiện để tự hoàn thiện bản thân. Khi ta hài lòng là khi ta không còn động lực gì để cố gắng, nghĩa là chỉ dừng lại mà không muốn tiến về phía trước nữa.


KỸ NĂNG QUAN SÁT, ĐÁNH GIÁ - THẤU HIỂU TỪ ÁNH NHÌN

Dù là người quản lý chương trình, thành viên tổ chức hay diễn giả thì cũng cần trau dồi kỹ năng quan sát-đánh giá. Người quản lý cần quan sát diễn giả để biết họ cần mình hỗ trợ gì không, quan sát các thành viên khác có chạy đúng chức năng chưa, sẵn sàng phương án dự phòng khi có sự cố. Là một diễn giả bạn cũng cần học cách đánh giá sự thích thú, sự chú ý của người nghe bằng ánh mắt, bằng phản ứng của họ để tiếp tục câu chuyện hoặc chuyển sang một nội dung khác. Là người tham dự toạ đàm, cần quan sát đối tượng giao tiếp của mình có muốn nghe hoặc chấp nhận quan điểm của mình hay không, nếu cảm thấy đối phương không hợp tác thì kết thúc câu chuyện tại đó là một lựa chọn khôn ngoan. Là một thành viên tổ chức, hãy luôn quan sát để biết ai cần sự giúp đỡ, sự nhiệt tình, chu đáo sẽ tạo nên dấu ấn riêng và được đánh giá cao hơn. Bởi vậy, quan sát luôn là một kỹ năng giao tiếp không thể thiếu. 
Kỹ năng này cũng giúp bạn trở nên gần gũi và được trân trọng không chỉ ở ngoài xã hội mà còn trong chính gia đình nhỏ của mình. Các bạn nữ khi tìm người yêu, vẫn thường đòi hỏi sự quan tâm đến từ người ấy; trong khi các bạn nam lại hay bị bảo là vô tâm. Nhiều chuyện tình hay hôn nhân tan vỡ cũng bởi vì 2 chữ "vô tâm" đó. Đừng viện cớ cho sự khác biệt tính cách do giới tính hay hoàn cảnh. Nếu có hãy phát huy, nếu không có hãy luyện tập. Học cách quan tâm và thấu hiểu người thân, người "iu", người bạn đời hay người gì đi nữa từ ánh mắt ngay từ bây giờ!


KỸ NĂNG NGOẠI NGỮ và XÃ HỘI - PHƯƠNG TIỆN GIAO TIẾP HIỆU QUẢ 

Nếu là một talkshow tiếng Anh hay ngôn ngữ khác tiếng mẹ đẻ cũng là một cơ hội để bản thân tự rèn luyện kỹ năng ngoại ngữ cho mình. Là một diễn giả, Harry phải đọc nhiều tài liệu liên quan bằng tiếng Anh (ví dụ mới đây là về cộng đồng LGBT), nhờ vậy sẽ giúp tăng vốn từ vựng về các lĩnh vực hoặc đề tài xã hội đáng kể, trong khi hàng ngày mình tiếp xúc nhiều hơn với từ vựng hàn lâm, khoa học tự nhiên. Bởi vì một nhân viên y tế, một kiến trúc sư..., đối tượng giao tiếp của bạn có thể thuộc nhiều thành phần khác nhau, thấu hiểu họ sẽ giúp bạn hoàn thành tốt chức trách của mình hay mang lại những cơ hội làm việc tốt hơn. Ngoài ra, cũng không bị đóng khung bản thân trong một cộng đồng người Việt hoặc các đối tác trong nước, tự tin vươn mình ra thế giới, là một "công dân toàn cầu" (global citizen).
Nếu là một thành viên tham dự cũng là dịp để mình rèn luyện kỹ năng nghe nói, trình bày quan điểm cá nhân bằng ngôn ngữ khác tiếng mẹ đẻ; tiếp nhận những quan điểm, góc nhìn khác nhau về các vấn đề xã hội trong và ngoài nước sẽ giúp đầu óc linh hoạt và đa chiều trong nhìn nhận một vấn đề cụ thể. Khi đầu óc mở bạn sẽ dễ dàng học hỏi những điều thú vị xung quanh, ít bị định kiến hoặc bảo thủ trước các vấn đề mới của xã hội, thích nghi tốt hơn khi thay đổi môi trường sống và làm việc. 


KỸ NĂNG PHÂN TÍCH, LÝ GIẢI - Quan trọng không phải sống lâu, mà là sống sâu!!! 

Trước một sự kiện, hãy tưởng tượng tất cả mọi thứ diễn ra theo kế hoạch đã định, ai là người phụ trách mảng nào, kết nối tất cả thành một đường dây. Nếu phát hiện điểm nào chưa rõ ràng, thiếu sót hãy kiểm tra với người phụ trách để đảm bảo hạn chế tối đa sự cố do khâu chuẩn bị không chu đáo (Dĩ nhiên trong thực tế, còn có 1001 tình huống bất ngờ có thể xảy ra nữa!).
Sau mỗi sự kiện, hãy dành thời gian để mọi thứ chạy lại trong đầu mình một lần, tìm những mặt còn hạn chế và lý giải nguyên nhân, tìm ra giải pháp nếu chúng ta thực hiện lại công việc đó lần sau, hoặc một sự kiện tương tự. Học tập từ kinh nghiệm dù cũ nhưng vẫn là một phương pháp học hiệu quả cho đến nay. Đừng bao giờ thoả hiệp, tự hài lòng, hoặc tìm cách biện hộ cho những sai lầm, thiếu sót, mà hãy can đảm đối diện với chính nó để hoàn thiện và trưởng thành hơn. Khi còn day dứt về một điều chưa thể làm thì chúng ta mới có động lực cải thiện lần sau.  


Ngoài ra, còn có hàng tá kỹ năng khác mà bản thân các bạn đã có hoặc chưa nhận ra như: Kỹ năng thiết kế nội dung và hình thức bài thuyết trình, sử dụng phần mềm phục vụ nghe nhìn, chụp ảnh sự kiện, thiết kế không gian, kỹ năng thuyết trình và thuyết phục, quản lý tài chính, chăm sóc khách hàng - người tham dự, khơi gợi cảm hứng khi thảo luận,... chắc là hẹn cả nhà vào dịp khác nhé! 

Mong rằng những chia sẻ này sẽ giúp các bạn có nhiều trải nghiệm thú vị trong khoảng thời gian học tập dưới mái trường phổ thông, đại học...Sau này, có ở đâu thì bạn cũng sẽ luôn tự tin và thành công trong vai trò của mình bằng những kỹ năng đã được trang bị. Thầy cô không chỉ là những người trên bục giảng mà còn từ những người, những thứ xung quanh ta.  Hãy trân trọng thời gian bằng những trải nghiệm thú vị! 


Nhận xét

Bài đăng phổ biến