SPECTRUM OF LIP LESIONS IN AN EPIDEMIOLOGICAL STUDY OF 3009 INDIAN PATIENTS

CÁC TỔN THƯƠNG VÙNG MÔI TRONG MỘT NGHIÊN CỨU DỊCH TỄ TRÊN 3009 BỆNH NHÂN NGƯỜI ẤN

GIỚI THIỆU

Môi (lips) rất dễ bị ảnh hưởng bởi các tác động của môi trường, chẳng hạn như gió, nắng, khói thuốc và nhiệt độ khắc nghiệt, do chức năng hàng rào bảo vệ da kém và khả năng giữ nước thấp. Các nghiên cứu sàng lọc dựa trên dân số quy mô lớn đã xác định các tổn thương môi là các tổn thương niêm mạc miệng phổ biến nhất. Nghiên cứu hiện tại nhằm mục đích làm nổi bật sự đa dạng của các tổn thương môi và xác định tỷ lệ mắc của chúng trong một quần thể Ấn Độ.

KẾT QUẢ

Trong số 3009 bệnh nhân được kiểm tra, 495 (16,5%) bị tổn thương môi, trong đó 257 được sinh thiết để xác định nguyên nhân.

Độ tuổi của bệnh nhân dao động từ 4 đến 85 tuổi, với độ tuổi trung bình là 39,7 tuổi. Có 309 (62,4%) nam và 185 (31,9%) nữ. Môi dưới (lower lip) là vùng bị ảnh hưởng nhiều nhất (54,1%) tiếp theo là khóe miệng (corner of mouth) (30,9%) và môi trên (upper lip) (11,7%). Trong 3,2% trường hợp, cả hai môi đều bị ảnh hưởng.

Trong số 495 tổn thương môi (lip lesion), phổ biến nhất là các rối loạn tiềm năng ác tính (potentially malignant disorders, PMD) (37,4%) và herpes môi (labial labialis) (33,7%), tiếp theo là nang nhầy/nang niêm dịch (mucocele) (6,7%), viêm khóe môi (angular cheilitis) (6,1%), tổn thương dị ứng và miễn dịch (allergic and immunologic lesions) (5,7%), u sợi chấn thương (traumatic fibroma) (2%), khối u (neoplasm) (1,8%), nhiễm sắc tố (pigmentation) (0,8%), tổn thương phát triển (0,6%), chấn thương do nhiệt và hóa chất (thermal and chemical injury) (0,4%) và các tổn thương khác (1%).

BÀN LUẬN

Trong nghiên cứu hiện tại, PMD được phát hiện là bệnh lý môi phổ biến nhất, với tỷ lệ mắc bệnh là 37,4%, cao hơn đáng kể so với tỷ lệ được báo cáo ở người Mỹ da trắng (31,4%) và người Ấn Độ (20,6%). Nghiên cứu này cho thấy bạch sản (leukoplakia) [Hình 1a và b], xơ hóa niêm mạc miệng (oral submucous fibrosis, OSMF), tăng sản mụn cóc (verrucous hyperplasia) [Hình 1c và d] và sừng hóa do xỉa thuốc lá (tobacco pouch keratosis) phổ biến hơn ở nam giới trong khi lichen phẳng vùng miệng (oral lichen planus, OLP) [Hình 1e và f] phổ biến hơn ở nữ giới. Cảm giác nóng rát và không thể mở miệng ở mức bình thường là dấu chứng phổ biến nhất liên quan đến OLP và OSMF.

Hình 1. (a) Bạch sản: Tổn thương trắng-xám nứt nẻ, cạo không tróc; (b) Tăng cận sừng và tăng lớp gai (H&E; 100x); (c) Tăng sản mụn cóc; tổn thương trắng-xám nứt nẻ; (d) Biểu mô gai trực sừng tăng sản biểu hiện các nếp gấp mụn cóc gợi ý tăng sản mụn cóc (H&E; 40x); (e) Lichen phẳng niêm mạc miệng; Sọc trắng dạng lưới ở môi dưới; (f) Thoái hoá lớp tế bào đáy với thấm nhập các tế bào viêm dưới biểu mô gợi ý lichen phẳng (H&E; 100x) 

Về mặt lâm sàng, bạch sản và OLP đôi khi có thể giống nhau. Bạch sản là tổn thương liên quan đến thuốc lá, biểu hiện lâm sàng là mảng trắng không cạo tróc, trong khi OLP là bệnh tự miễn, niêm mạc-da với biểu hiện lâm sàng là sọc trắng, sẩn, mảng hoặc chợt loét. Các nghiên cứu dựa trên dân số trên toàn cầu đã chỉ ra rằng bạch sản có tỷ lệ chuyển dạng ác tính tương đối cao do có mối tương quan mạnh với việc sử dụng thuốc lá và rượu. Trong nghiên cứu hiện tại, tỷ lệ sử dụng thuốc lá không khói cao hơn so với thuốc lá hút.

Nhiễm trùng (infection) (34,7%) được phát hiện là bệnh lý môi phổ biến thứ hai trong nghiên cứu hiện tại. Herpes môi (33,7%) [Hình 2a] với ưu thế ở phụ nữ (53,9%) biểu hiện bằng sự phân bố một bên (87%) các mụn nước vỡ và loét (ruptured and ulcerated vesicles). Ở người Mỹ da trắng, tỷ lệ mắc bệnh herpes môi là 8,5% đã được báo cáo. Herpes Zoster [Hình 2b], một bệnh mụn nước ở da, đau, khu trú, đã phát hiện ở hai bệnh nhân. Nhiễm nấm Candida miệng (oral candidiasis), nhiễm nấm miệng phổ biến nhất, phát hiện ở 3 trường hợp, có tiền sử hen suyễn (asthma) và bệnh lao (tuberculosis), do đó gợi ý nguyên nhân tiềm ẩn gây ra bệnh nhiễm trùng.

Hình 2. (a) Mụn nước do nhiễm herpes cấp tính; (b) Mụn nước hiện diện ở một bên của khoé miệng bên trái và khẩu cái bên trái kèm đau gợi ý herpes zoster; (c) loét áp tơ; (d) Hội chứng Behcet-nhiều vết loét áp tơ gây đau ở khoang miệng và loét sinh dục

Ở môi, phát hiện thấy loét apthous tái phát (recurrent aphthous ulcers, RAU) [Hình 2c] và viêm khoé miệng (angular cheilitis) với tỷ lệ mắc lần lượt là 3,8% và 6,1%. Trong số người Mỹ da trắng, tỷ lệ mắc là 6,3% đối với viêm khoé miệng. Ở những bệnh nhân này, nhiều nguyên nhân gây viêm khoé miệng có thể là do thiếu máu do thiếu sắt (iron deficiency anemia), giảm kích thước dọc (reduced vertical dimensions), ứ đọng nước bọt ở khóe miệng và ức chế miễn dịch. RAU là một trong những bệnh lý niêm mạc miệng phổ biến nhất do nhiều tác nhân gây bệnh gây ra, chủ yếu là do căng thẳng. Hai trường hợp được chẩn đoán mắc hội chứng Behcet [Hình 2d], bệnh viêm mạn tính đa hệ thống (multisystemic chronic inflammatory disease) đặc trưng bởi loét miệng và sinh dục tái phát, cùng các biểu hiện khác đã được đưa vào nghiên cứu hiện tại.

Các bệnh mụn nước ở miệng có thể do miễn dịch, do vi-rút, do thuốc, do di truyền hoặc do chấn thương và có thể xảy ra độc lập hoặc xảy ra trước khi có tổn thương da. Nghiên cứu báo cáo 4 trường hợp hồng ban đa dạng (erythema multiforme, EM) và một trường hợp pemphigus thông thường xảy ra ở khoang miệng mà không liên quan đến da. Các tổn thương hình bia đặc trưng và phù nề môi đã được nhìn thấy ở EM.

Ntomouchtsis và cộng sự đã báo cáo 27,6% tổn thương môi lành tính ở bệnh nhân Hy Lạp, bao gồm sừng hóa do ánh nắng (actinic keratosis), u máu (hemangioma), u hạt sinh mủ (pyogenic granuloma) và nang nhầy là một khối u lành tính (benign neoplasm). Các nhà nghiên cứu đã đưa nhiều tổn thương khác nhau vào danh mục khối u lành tính ở miệng nhưng không phải là tổn thương lành tính thực sự, khiến cho việc nghiên cứu so sánh trở nên khó khăn. Trong nghiên cứu hiện tại, 1% các trường hợp (n = 5) ở môi là khối u lành tính, bao gồm 3 khối u sợi thần kinh, bao gồm một trường hợp chứng u sợi thần kinh [Hình 3a và b] và một trường hợp u thần kinh đệm (neurilemmona) [Hình 3c và d] và u nhú (papilloma). Các nghiên cứu đã chỉ ra tỷ lệ mắc u nhú ở môi lần lượt là 3,4% và 7,9% ở bệnh nhân người Hy Lạp và người Mỹ da trắng.

Hình 3. Phì đại sợi lan toả ở môi trên bệnh nhân nam 42 tuổi bị chứng u sợi thần kinh; (b) Các tế bào dạng trụ có nhân hình dấu phẩy xác định chẩn đoán là chứng u sợi thần kinh (H&E, 100x); (c) Tăng trưởng dạng hòn không đau, mềm ở môi dưới của bệnh nhân nam 51 tuổi được 1 năm có tiền sử chấn thương; (d) các đám tế bào hình trụ sắp xếp dạng Antoni A và B gợi ý u thần kinh đệm (H&E; 100x); (e) khối mô phân thuỳ và loét ở niêm mạc môi hàm dưới; (f) Kiểu hình phân thuỳ với các mạch máu dãn rộng và thấm nhập tế bào viêm gợi ý u hạt sinh mủ (H&E; 40x)

Tăng sinh mô xơ khu trú (localized fibrous tissue overgrowth) rất phổ biến ở niêm mạc miệng do kích ứng liên tục, phần lớn là tăng sản sợi (fibrous hyperplasia). Nghiên cứu đã tìm thấy 13 trường hợp tăng sản sợi, không được coi là u sợi thực sự và do đó được đưa vào loại tổn thương do chấn thương.

Nghiên cứu ghi nhận một trường hợp u hạt sinh mủ (pyogenic granuloma) [Hình 3e và f] ở môi dưới. Nang nhầy [Hình 4a và b] (33/495, 6,7%) là di chứng phổ biến nhất của việc cắn môi (lip biting) với tỷ lệ mắc là 94% ở môi dưới. Các nghiên cứu khác đã báo cáo tỷ lệ mắc là 4,7%, 7,1% và 29,8%.

Hình 4. (a) Khối sưng trong suốt dạng mái vòm ở môi dưới với tiền sử cắn môi gợi ý nang niêm dịch; (b) Khoang chứa dịch nhầy dạng nang giới hạn rõ và đẩy phần biểu mô lót gợi ý nang niêm dịch (H&E; 40x); (c) Sưng môi và nướu lan toả, không đau, dai dẳng ở bệnh nhân nữ 19 tuổi kéo dài 1 năm; (d) mô liên kết cho thấy thấm nhập tế bào viêm mạn tính dày đặc với các tế bào khổng lồ Langhan gợi ý u hạt (H&E; 40x)
Môi chiếm 12% trong tổng số các loại ung thư đầu và cổ. Nghiên cứu phát hiện thấy 0,8% trường hợp (4/495) ung thư môi (lip malignancies), thấp hơn so với báo cáo của Patil và Maheshwari (2,24%), trong khi Bouquot và Gundlach báo cáo tỷ lệ lưu hành là 0,8/1000 trong nhóm người Mỹ da trắng. Chúng tôi đã phát hiện ra một trường hợp carcinôm tuyến tế bào đáy (basal cell adenocarcinoma) ở môi trên.
Các tổn thương khác được quan sát thấy là các tổn thương tăng sắc tố (hyperpigmented lesions) (0,8%), thiếu máu (anemia) (0,8%), loét chấn thương (traumatic ulcer) (0,6%) và viêm niêm mạc do tia xạ (radiation-induced mucositis) (0,2%). Các tổn thương phát triển (developmental lesions) được phát hiện ở 0,6% nhóm nghiên cứu. Không phát hiện thấy khe hở môi (cleft lip) vì đã được phẫu thuật chỉnh sửa sớm trong cuộc đời.
Cùng với xét nghiệm mô bệnh học (histopathological examination), một số thủ thuật điều tra đã được thực hiện để đưa ra chẩn đoán xác định cho việc lập kế hoạch điều trị và tiên lượng tốt hơn. Nồng độ kháng thể anti-desmoglein 1 và 3 trong huyết thanh tăng cao cùng với sự phân tách biểu mô trên màng đáy (suprabasilar split) trên mô bệnh học đã xác nhận bệnh pemphigus thông thường, lắng đọng C3 và IgM trên miễn dịch huỳnh quang trực tiếp đã xác lập chẩn đoán hồng ban đa dạng, sự hiện diện của hạch lympho rốn phổi trên phim chụp X-quang ngực (xem PA), nồng độ men chuyển angiotensin trong huyết thanh tăng cao ngoài sự hiện diện của Thể Schauman [Hình 4c và d] đã được chẩn đoán là bệnh sarcoidosis và siêu âm đã được thực hiện để chẩn đoán trường hợp u máu. Xét nghiệm nhuộm đặc biệt như periodic acid Schiff để phát hiện bệnh nấm Candida, nhuộm trực khuẩn axit nhanh để loại trừ sự hiện diện của Mycobacterium trong các tổn thương u hạt mạn tính đã được thực hiện. Các xét nghiệm máu đã được tiến hành để xác nhận tình trạng thiếu máu.
Nghiên cứu nhấn mạnh thực tế rằng các tổn thương môi có thể đóng vai trò là chỉ báo cho sự hiện diện của một bệnh toàn thân tiềm ẩn. Các tổn thương u hạt biểu hiện trên môi có thể được sinh thiết để loại trừ nguyên nhân toàn thân tiềm ẩn như bệnh sarcoidosis hoặc bệnh lao. Chẩn đoán sớm và điều trị các bệnh da liễu ở môi thường có thể dẫn đến việc chữa khỏi hoàn toàn. Điều này giúp duy trì sự chấp nhận về mặt xã hội và lòng tự trọng của bệnh nhân. Trong nghiên cứu hiện tại, các tổn thương màu trắng liên quan đến thói quen, herpes môi và u nhầy được phát hiện phổ biến hơn ở môi dưới. Viêm khoé môi, herpes môi với sự liên quan tương ứng ở cả hai bên và một bên.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Spectrum of Lip Lesions in a Tertiary Care Hospital: An Epidemiological Study of 3009 Indian Patients


Nhận xét

Bài đăng phổ biến