CARDIAC IMPLANTED DEVICES AND ELECTRONIC DENTAL INSTRUMENTS

MÁY TRỢ TIM CẤY GHÉP VÀ THIẾT BỊ NHA KHOA ĐIỆN TỬ

Nguồn: https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S030057121530083X

Ý CHÍNH

  • Một số nghiên cứu cho thấy các thiết bị nha khoa điện tử (electronic dental devices) có thể gây nhiễu thiết bị trợ tim cấy ghép (cardiac implanted devices).
  • Các thiết bị trợ tim mới được che chắn tốt hơn và ít nhạy cảm với tình trạng nhiễu điện từ (interference) hơn.
  • Máy lấy cao răng áp lực điện (piezoelectric dental scaler) có thể an toàn hơn các loại máy từ tính (magnetostrictive model).
  • Các thiết bị phẫu thuật điện (electrosurgery device) có khả năng gây nhiễu điện từ cao nhất.
  • Sử dụng đúng cách và giữ khoảng cách phù hợp là hai yếu tố quan trọng giúp giảm nguy cơ nhiễu điện từ.

GIỚI THIỆU

Dụng cụ nha khoa điện tử, như máy lấy cao răng siêu âm (ultrasonic scaler) hoặc máy định vị chóp (apex locator), có thể gây nhiễu một số thiết bị trợ tim, như máy tạo nhịp tim (pacemaker) hoặc máy khử rung tim cấy ghép (implantable cardioverter defibrillator).

Các thiết bị hỗ trợ tim mạch cấy ghép điện tử (cardiovascular implantable electronic devices - CIED) (xem bên dưới) sử dụng xung điện để duy trì nhịp tim thích hợp, ngày càng trở nên phổ biến khi tuổi thọ của nhóm dân số đã được cấy ghép các thiết bị này tăng lên, cũng như số ca có chỉ định cấy ghép các thiết bị này ngày càng tăng. Điều này có nghĩa là cả bệnh nhân, bác sĩ và nhân viên nha khoa có nhiều khả năng đang mang CIED hơn, làm tăng nguy cơ nhiễu điện từ từ thiết bị nha khoa điện tử.

Đã có ghi nhận về các thiết bị điện tử thông thường, thậm chí điện thoại di động, máy tính bảng, gây nhiễu CIED. Trong nha khoa, có nhiều báo cáo mâu thuẫn liên quan đến thiết bị siêu âm như máy lấy cao răng và đèn quang trùng hợp (curing light) có thể tác động đến các chức năng điện tử tự động của CIED. Nhiễu điện từ có thể gây gián đoạn hoặc thay đổi nhịp hoặc gửi tín hiệu cảnh báo cần sốc điện. Một số thử nghiệm in-vitro trong những năm 1990 và đầu những năm 2000 cho thấy các thiết bị nha khoa điện tử siêu âm gây nhiễu tạo nhịp và các chức năng khác, nhưng nhiều người cho rằng các thử nghiệm in-vitro trong phòng thí nghiệm không mô phỏng chính xác cơ thể người và các điều kiện thực hành nha khoa, đồng thời các thiết bị CIED mới đã được cô lập tốt hơn khỏi nhiễu điện tử. Khi ngày càng có nhiều người mang CIED đến can thiệp nha khoa, cần đặc biệt quan tâm đến nguy cơ tương tác tiềm ẩn giữa CIED với các thiết bị nha khoa siêu âm.

THIẾT BỊ HỖ TRỢ TIM MẠCH CẤY GHÉP ĐIỆN TỬ

Thiết bị hỗ trợ tim mạch cấy ghép điện tử (Cardiovascular implantable electronic devices - CIED) gồm cả máy tạo nhịp (pacemaker) – điều chỉnh nhịp tim thông qua dòng điện và máy khử rung tim cấy ghép (implantable cardioverter-defibrillator) – phân tích nhịp tim và phát xung động khi phát hiện có bất thường. CIED thường gồm hai thành phần chính: (1) vỏ bao được dán kín (sealed capsule) chứa nguồn điện, cấy dưới xương đòn trái (left clavicle), dưới da (subcutaneous) hoặc dưới cơ ngực (subpectoral); (2) dây dẫn kim loại đi theo tĩnh mạch dưới đòn (subclavian vein) vào tim.

Máy tạo nhịp tim được sử dụng từ những năm 1960, các phiên bản đầu tiên chỉ phát ra một xung cố định (static pulse), còn các phiên bản hiện đại hơn có thể phát nhịp “theo yêu cầu” (‘on demand’ pacing), có thể ức chế hoặc kích hoạt nhịp tim khi cần thiết. Những mẫu máy đầu tiên cũng không được bảo vệ hoặc che chắn tốt khỏi nhiễu điện từ, nhưng các thiết kế hiện đại hơn có khả năng chống nhiễu điện từ nhờ vỏ bọc kín, bộ lọc, mạch loại trừ và chế độ lưỡng cực (filters, rejection circuits, and bipolar modes). Thực tế là chính những mẫu máy cũ thiếu các biện pháp bảo vệ này dẫn đến nhiều báo cáo ban đầu về nguy cơ cao bị nhiễu trên các thiết bị này.

CIED VÀ CÁC THIẾT BỊ ĐIỆN TỬ TIÊU DÙNG

Vào tháng 5-2021, Cục Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (U.S Food and Drug Administration - FDA) đưa ra khuyến cáo rằng các thiết bị điện tử tiêu dùng (consumer electronic devices) có thể tạo ra hiện tượng nhiễu từ tính (magnetic interference) kể cả điện thoại di động và đồng hồ thông minh (smart watch), nên được giữ cách xa thiết bị cấy ghép từ sáu inch (~15cm) trở lên, vì FDA đã xác nhận các nghiên cứu trước đó cho thấy các thiết bị cá nhân loại này có thể ức chế hoạt động bình thường của CIED. Các nghiên cứu gần đây phát hiện thiết bị điện tử cá nhân (personal electronic devices) như điện thoại di động, thiết bị thông minh đeo được (wearable smart devices) và thậm chí thuốc lá điện tử (electronic cigarettes) chứa nam châm có thể tạo ra từ trường (magnetic field) đủ mạnh ảnh hưởng đến hoạt động của CIED, bao gồm vô hiệu hóa chức năng của máy khử rung tim hoặc chuyển đổi chế độ của máy tạo nhịp tim.

THIẾT BỊ NHA KHOA ĐIỆN TỬ VÀ TÌNH TRẠNG NHIỄU ĐIỆN TỪ

Tất cả các loại thiết bị nha khoa điện tử (electronic dental devices) được thử nghiệm đều cho thấy tiềm năng làm nhiễu điện từ trên CIED (Bảng 1). Tuy nhiên, còn mẫu thuẫn giữa các bằng chứng, và hầu hết các kết quả dương tính đến từ các nghiên cứu in-vitro. Người ta cho rằng mô người cung cấp sự che chắn và bảo vệ khỏi tình trạng nhiễu điện từ, điều kiện này không thể tái lập trong môi trường phòng thí nghiệm. Nhiều sổ tay hướng dẫn sử dụng thiết bị nha khoa điện tử không khuyến khích sử dụng các thiết bị này trên bệnh nhân mang CIED, nhưng nhiều nhà nghiên cứu tin rằng các thiết kế CIED thế hệ mới có thể giảm nguy cơ gây nhiễu từ các nguồn điện từ. Trong khi một số nhà nghiên cứu khẳng định khả năng gây nhiễu trên lâm sàng từ các thiết bị nha khoa siêu âm là “rất thấp”, nhưng về mặt lý thuyết vẫn có thể xảy ra. Một số nghiên cứu đề cập đến khả năng nhiễu điện từ gia tăng nếu một thiết bị cách CIED hoặc dây dẫn trong khoảng 37,5 cm (~ 15 inch).

Bảng 1. Bằng chứng nhiễu điện từ trên một số thiết bị nha khoa điện tử. “Nhẹ” đề cập đến tình trạng nhiễu không có ý nghĩa lâm sàng (tiếng ồn, thiết bị đo từ xa); “Nghiêm trọng” nghĩa là có ý nghĩa về mặt lâm sàng (tức là rối loạn nhịp hoặc sốc); “N.A.” (Không có dữ liệu), hiện không có nghiên cứu nào.

Một nghiên cứu cohort tiến cứu in-vivo năm 2015 cho bệnh nhân mang CIED tiếp xúc với máy lấy cao răng điện từ, hệ thống làm sạch siêu âm (ultrasonic cleaning system), đèn quang trùng hợp, bàn chải răng điện và máy thử tủy chạy bằng pin (battery-operated pulp tester). Các tác giả phát hiện thấy nhiễu điện từ nhẹ khi máy lấy cao răng và hệ thống làm sạch cách dây dẫn CIED dưới 1 inch (~2,54cm). Các tương tác nhỏ không triệu chứng khác xảy ra với các thiết bị khác ở khoảng cách nhỏ hơn nhưng dường như chỉ xảy ra tình trạng nhiễu với các thiết bị giám sát (monitoring devices) (thiết bị đo từ xa - telemetry) và không gây nhiễu tạo nhịp hoặc hoạt động của chính thiết bị CEID. Tình trạng nhiễu với thiết bị đo từ xa và thiết bị giám sát này được cho là nguyên nhân của hiện tượng nhiễu điện từ trong nhiều nghiên cứu.

Có bằng chứng cho thấy máy lấy cao răng áp lực điện (thường sử dụng ở châu Âu) an toàn hơn máy điện từ  (magnetostriction devices) và có thể không gây rủi ro cho bệnh nhân mang CIED. Báo cáo công bố năm 2000 của Viện hàn lâm Nha chu học Hoa Kỳ cảnh báo “bác sĩ lâm sàng không nên sử dụng máy lấy cao răng điện từ cho bệnh nhân mang máy tạo nhịp tim” mặc dù cảnh báo này sau đó được rút lại. Một số nghiên cứu in-vitro cho thấy tình trạng nhiễu do máy lấy cao răng điện từ, một nghiên cứu in-vivo năm 2013 không tìm thấy hiện tượng nhiễu giữa máy lấy cao răng áp lực điện và các loại máy khử rung tim cấy ghép trên bệnh nhân. Một nghiên cứu in-vivo năm 2018 về máy lấy cao răng áp lực điện chỉ thấy tình trạng nhiễu nhỏ (tiếng ồn) bằng thiết bị đo từ xa, và không có biến cố nào trên chức năng của máy tạo nhịp tim.

Máy định vị chóp và các công cụ giám sát tích hợp xương được phát hiện trong các thử nghiệm in-vitro có nguy cơ gây nhiễu điện từ thấp. Tuy nhiên, trong một nghiên cứu in-vivo, tình trạng gián đoạn nhịp có triệu chứng xảy ra ở bệnh nhân do hai hãng máy định vị chóp. Một nghiên cứu in-vivo năm 2018 về máy định vị chóp thấy có mức độ nhiễu nhỏ bằng thiết bị đo từ xa ở 3,3% bệnh nhân.

Mặc dù máy thử tủy cho thấy có liên quan đến tình trạng nhiễu điện từ "nghiêm trọng" (ức chế kích thích hoặc phóng điện không thích hợp) trong các nghiên cứu in-vitro từ năm 2015 và 2016, một số nghiên cứu in-vitro khác không tìm thấy hiện tượng nhiễu, cũng như không phát hiện tình trạng nhiễu trong nghiên cứu in-vivo năm 2015. Một nghiên cứu in-vivo năm 2018 cho thấy tình trạng nhiễu nhỏ bằng thiết bị đo từ xa ở 7,5% bệnh nhân.

Các máy phẫu thuật điện (electrosurgical units) được sử dụng để loại bỏ và làm chết mô, hiện có loại thiết bị đơn cực (yêu cầu một dòng điện đi qua cơ thể bệnh nhân) và thiết bị lưỡng cực (dòng điện hoàn toàn ở giữa hai điện cực trong đầu thiết bị). Các nghiên cứu in-vitro đều cho thấy tình trạng nhiễu điện từ đáng kể về mặt lâm sàng với CIED do thiết bị phẫu thuật điện đơn cực, bao gồm các gián đoạn tạo nhịp và sốc điện. Hiệp hội Nhịp tim/ Hiệp hội Bác sĩ gây mê Hoa Kỳ đã đăng tải một tuyên bố có sự đồng thuận về việc quản lý bệnh nhân mang CIED, trong đó nêu rõ rằng “thiết bị phẫu thuật điện đơn cực là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra [tình trạng nhiễu điện từ] và tương tác với CIED trong phòng phẫu thuật,” và các thiết bị điện phẫu vùng đầu cổ trang bị dòng điện đơn cực “gây ra nhiều rủi ro hơn cho việc giám sát và ảnh hưởng đến hệ thống CIED.”

Đèn quang trùng hợp hoạt động bằng pin gây ức chế nhịp tim trong một nghiên cứu in-vitro năm 2010, nhưng các nghiên cứu gần đây hơn từ năm 2015 không thấy bất kỳ nhiễu điện từ nào từ đèn quang trùng hợp. Hệ thống làm sạch siêu âm gây nhiễu điện từ đáng kể trong nghiên cứu năm 2010 và gây nhiễu nhỏ với thiết bị đo từ xa trong nghiên cứu in-vivo năm 2015, chức năng tạo nhịp hoặc độ nhạy không bị ảnh hưởng. Cả hai nghiên cứu năm 2010 và 2015 đều nhận thấy có ít hoặc không có nguy cơ từ bàn chải răng điện.

Thiết bị làm nóng chảy gutta percha (gutta percha heat carriers), không phải súng, gây ra nhiễu điện từ dưới dạng tiếng ồn nền, cũng như gây ngưng không triệu chứng máy điều hòa nhịp tim trong một nghiên cứu in-vivo công bố vào năm 2015. Tuy nhiên, một nghiên cứu in-vitro năm 2015 không phát hiện có tình trạng nhiễu giữa thiết bị làm nóng chảy gutta-percha và máy khử rung tim cấy ghép.

LƯU Ý CHĂM SÓC NHA KHOA

Mặc dù bằng chứng còn mâu thuẫn nhưng cần xem xét tác động tiềm tàng của thiết bị siêu âm hoặc điện tử đối với bệnh nhân hoặc nhân viên mang thiết bị trợ tim cấy ghép. Một số nhà sản xuất đưa ra khuyến cáo về việc sử dụng thiết bị của họ ở vị trí gần thiết bị cấy ghép và báo cáo tình trạng nhiễu do thiết bị nha khoa thường trong phạm vi 37,5 cm (~15 inch) tới thiết bị hoặc dây dẫn. Bác sĩ Răng Hàm Mặt cũng có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ Tim mạch đang điều trị cho bệnh nhân để xác định xem liệu thiết bị siêu âm hoặc điện tử có thể sử dụng an toàn hay không. Nếu sử dụng thiết bị nha khoa siêu âm hoặc điện tử (hoặc thiết bị khác tương tự), có thể giúp giảm nguy cơ bằng cách tránh vẫy thiết bị hoặc dây thiết bị quanh vùng ngực bệnh nhân và tắt thiết bị này khi không sử dụng.

Biên dịch

NGUYỄN HẠ AN (Sinh viên chuyên ngành Bác sĩ Răng Hàm Mặt)

Hiệu đính 

TS. BS. LÊ NGUYỄN TRÀ MI

BSCK1. NGUYỄN NGỌC THIÊN CHƯƠNG

TÀI LIỆU BIÊN DỊCH

https://www.ada.org/resources/research/science-and-research-institute/oral-health-topics/cardiac-implanted-devices-and-electronic-dental-instruments



Nhận xét

Bài đăng phổ biến