DENTAL SEALANTS FOR TOOTH DECAY PREVENTION

SEALANT NHA KHOA: Biện pháp phòng ngừa sâu răng hiệu quả

Ngày cập nhật 01/7/2022

Sealant nha khoa là gì?

Sealant nha khoa (hay còn gọi là chất trám bít hố rãnh) là lớp nhựa mỏng lấp đầy các bề mặt gồ ghề trên mặt nhai của răng giúp ngăn ngừa tích tụ mảng bám, vi khuẩn, để bảo vệ răng không bị sâu.
Hình 1. Trước và sau đặt chất trám bít hố rãnh (sealant)(Nguồn: https://img1.wsimg.com/isteam/ip/c8758a90-4a69-4b77-ac93-3af62a0acf67/fissure%20sealant.JPG/:/rs=w:1280)

Răng nào cần can thiệp với sealant nha khoa?

Sealant nha khoa thường được chỉ định cho bất kỳ răng nào (răng sữa, răng vĩnh viễn, răng cửa, răng hàm, v.v…) miễn là có nhiều hố rãnh dễ tích tụ mảng bám, khó làm sạch bằng các dụng cụ vệ sinh răng miệng hoặc đối tượng không đủ nhận thức để tự kiểm soát vấn đề vệ sinh răng miệng (trẻ nhỏ, người chậm phát triển trí tuệ, v.v…).

Trẻ bao nhiêu tuổi có thể điều trị bằng sealant nha khoa?

Sealant nha khoa không có giới hạn về độ tuổi mà tập trung vào hình dạng giải phẫu của răng khi mới mọc. Nếu răng cần làm sealant và bé hợp tác tốt thì nên thực hiện càng sớm càng tốt cho sức khoẻ răng miệng của bé sau này.

Sealant nha khoa có an toàn không?

Theo các báo cáo, sealant nha khoa chỉ có một số trường hợp rất hiếm xảy ra dị ứng với vật liệu sealant. Ngoài ra, chưa ghi nhận các tác dụng phụ hay biến chứng khác.

Quy trình thực hiện có phức tạp không?

Quy trình đặt sealant rất đơn giản. Tuỳ theo tình trạng răng và loại vật liệu sử dụng. Thời gian trung bình là 5-15 phút. Để đảm bảo cho sealant bám dính hiệu quả, nha sĩ cần làm sạch và xử lý bề mặt răng trước đó. Công việc này thường rất nhanh chóng và hiếm khi gây ra bất kỳ khó chịu nào. Khi bề mặt đã sẵn sàng, sealant được đặt lên. Đôi khi, nha sĩ dùng đèn chiếu cứng (đèn trùng hợp) để giúp sealant cứng lại.
Hình 2. Răng trước và sau khi đặt sealant
(Nguồn: https://miro.medium.com/max/1000/1*PypuCYQUr8TWLa1IP7CUAA.jpeg)

Hiệu quả phòng ngừa sâu răng của sealant nha khoa như thế nào?

Chỉ cần vẫn còn nguyên vẹn, sealant nha khoa có thể bảo vệ mặt nhai khỏi sâu răng cho cả trẻ em và người lớn. Theo nghiên cứu của Williams R. và cs. (2018), tỉ lệ sâu răng tỉ lệ nghịch với sự hiện diện của sealant trên răng theo thời gian.
Sealant nha khoa khá bền vững và có thể chịu đựng được lực nhai hàng ngày trong nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm. Tuỳ theo loại sealant sử dụng, tuổi thọ của sealant có thể lên đến 4 năm (Zhang, 2017). Tất nhiên, tuổi thọ của lớp bảo vệ này có thể thay đổi tùy từng người. Đến gặp nha sĩ của bạn thường xuyên (6 tháng – 1 năm/lần) là cách tốt nhất để đảm bảo rằng sealant nha khoa của bạn đang trong tình trạng tốt.
Theo báo cáo của Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ (2016), chỉ có 43% trẻ em trong độ tuổi 6-11 được dự phòng sâu răng bằng sealant nha khoa. Trong khi cũng theo đánh giá của trung tâm này, trẻ em trong độ tuổi đi học không có sealant nha khoa có số lượng xoang sâu gấp 3 lần so với trẻ có dự phòng sâu răng bằng sealant. Một tổng quan Cochrane (2017) ghi nhận tỉ lệ giảm sâu răng khi sử dụng sealant nha khoa dao động từ 11-51%.
Ngoài ra, nghiên cứu gần đây (Khalili, 2019) còn cho thấy hiệu quả ngừa sâu răng được gia tăng khi sử dụng sealant có bổ sung fluoride giúp phóng thích fluoride sau khi đặt sealant.

Cách chăm sóc răng đã sealant nha khoa có khác biệt gì không?

Răng sau khi được đặt sealant vẫn thực hiện các chức năng ăn nhai như bình thường. Việc chăm sóc cũng tương tự các răng không sealant khác.

Nếu sealant tất cả các răng thì không cần vệ sinh bằng bàn chải?

CTBHR có giá trị trong việc bảo vệ mặt nhai của răng hàm, nhưng chải răng thường xuyên là cần thiết để ngăn ngừa sâu răng ở các vị trí khác như kẽ răng, mặt bên, mặt ngoài, mặt trong, nướu răng. Ngăn ngừa sâu răng ở bộ răng sữa cũng như răng vĩnh viễn đều rất quan trọng cho sức khỏe của bạn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. https://www.mouthhealthy.org/en/az-topics/s/sealants
  2. https://www.webmd.com/oral-health/guide/dental-sealants
  3. Williams R, Rogo EJ, Gurenlian JR, Portillo KM. An evaluation of a school-based dental sealant programme. Int J Dent Hyg. 2018 May;16(2):e65-e72. doi: 10.1111/idh.12303.
  4. Kalnina J, Care R., Prevention of occlusal caries using a ozone, sealant and fluoride varnish in children. Stomatologija. 2016;18(1):26-31.
  5. Zhang W, Chen X, Fan M, Mulder J, Frencken JE. Retention Rate of Four Different Sealant Materials after Four Years. Oral Health Prev Dent. 2017;15(4):307-314. doi: 10.3290/j.ohpd.a38743.
  6. Khalili Sadrabad Z, Safari E, Alavi M, Shadkar MM, Hosseini Naghavi SH. Effect of a fluoride-releasing fissure sealant and a conventional fissure sealant on inhibition of primary carious lesions with or without exposure to fluoride-containing toothpaste. J Dent Res Dent Clin Dent Prospects. 2019 Spring;13(2):147-152. doi: 10.15171/joddd.2019.023.
  7. Ahovuo-Saloranta A, Forss H, Walsh T, Nordblad A, Mäkelä M, Worthington HV. Pit and fissure sealants for preventing dental decay in permanent teeth. Cochrane Database Syst Rev. 2017 Jul 31;7:CD001830. doi: 10.1002/14651858.CD001830.pub5.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến