TRAITEMENT DE TACHES BLANCHES DE L'EMAIL DANS UN CAS DE MIH PAR LA TECHNIQUE D'EROSION-INFILTRATION EN PROFONDEUR

Bài dịch

 CA LÂM SÀNG: ĐIỀU TRỊ ĐỐM TRẮNG MEN RĂNG TRONG CHỨNG MIH 

BẰNG KỸ THUẬT XOI MÒN-THẨM THẤU SÂU




Từ khoá 


  • Molar-Incisor Hypomineralization - MIH: chứng kém khoáng hoá răng cối-cửa 
  • La technique d'érosion-infiltration en profondeur: kỹ thuật xoi mòn-thẩm thấu sâu 

  

GIỚI THIỆU 

Bệnh nhân (BN) có nhu cầu thẩm mỹ ngày càng cao và không hiếm trường hợp đến tham vấn vì những đốm trắng nhìn thấy được khi cười. Mức độ trầm trọng của những đốm trắng này có ảnh hưởng thẩm mỹ khác nhau trên từng BN. Khi BN đến khám với mong muốn cải thiện thẩm mỹ nụ cười, nha sĩ cần có chẩn đoán đúng, chọn lựa loại hình điều trị phù hợp theo hướng bảo tồn tối đa tuỳ từng mức độ bệnh lý. 
Có nhiều loại đốm trắng tại chỗ ở lớp men răng như: nhiễm fluor, tổn thương sâu răng sớm (white spot), kém khoáng hoá do chấn thương, chứng kém khoáng hoá răng cối-cửa (Molar-Incisor Hypomineralization-MIH). Kém/giảm khoáng hoá men răng là đặc điểm chung của các loại tổn thương này. 
Chính hiện tượng giảm khoáng hoá so với men răng lành mạnh và có nhiều lỗ hổng (porosité) trong men tạo ra những thay đổi quang học nội tại làm xuất hiện các đốm trắng khi quan sát bằng mắt thường. 
Cụ thể hơn, trong MIH, các đốm trắng thường gặp chủ yếu trên răng cối lớn thứ nhất hàm trên và răng cửa giữa hàm trên (đôi khi cũng có thể khu trú trên răng cửa bên, răng nanh và răng cối lớn thứ hai).  Các đốm trắng thường bất đối xứng và có giới hạn rõ với phần men răng còn lại. Trong MIH, sự kém khoáng hoá men bắt đầu ở đường nối men-ngà chứ không phải trên bề mặt men, lan rộng theo bề dày của men răng tuỳ theo mức độ. Nguyên tắc điều trị MIH bằng xoi mòn-thẩm thấu sâu bao gồm bước thổi cát (sablage) mài mòn để tiếp cận phần trần của tổn thương trước khi cho nhựa (résine) thẩm thấu vào lớp men. Nhựa được dùng trong kỹ thuật này có chỉ số khúc xạ gần bằng với men răng lành mạnh, cải thiện quá trình truyền sáng qua lớp men kém khoáng hoá, tạo ra độ trong mờ của men răng. Vì vậy, có thể làm mờ hoặc mất đi các đốm trắng khi nhìn bằng mắt thường. Sau đó, dùng composite màu men đơn giản phục hồi lại phần mô răng đã bị mài mòn. 

CA LÂM SÀNG 

BN nữ 26 tuổi, đến khám với lý do chính là thẩm mỹ. Khám lâm sàng ghi nhận có nhiều đốm trắng không đối xứng, kích thước lớn, giới hạn rõ ở mặt ngoài hai R11, 21, đốm trắng khó phát hiện hơn ở R12, 13; tổn thương kém khoáng hoá men trên gờ bên gần R16; phục hình cố định R26 (Hình 1). Theo lời khai của BN, R26 trước đây cũng có đốm trắng tương tự tuy nhiên kích thước lớn hơn R16. Từ các dữ liệu này, đưa đến chẩn đoán đây là đốm trắng trong chứng kém khoáng hoá men răng cối-cửa (MIH). BN ngại cười và mong muốn có điều trị thích hợp để cải thiện tình trạng trên. Kế hoạch điều trị cho BN gồm hai bước: tẩy trắng thì đầu bằng máng tẩy, và thì hai bằng kỹ thuật xoi mòn-thẩm thấu sâu. BN đồng ý với kế hoạch điều trị.
Hình 1. (từ trái sang phải, từ trên xuống dưới) a, b, c. Hình bệnh nhân khi cười lúc đầu, có đốm trắng trên hai răng cửa giữa hàm trên; d. Đốm trắng đục do kém khoáng hoá men trên răng 16; e. Mão sứ trên răng 26.

Tẩy trắng bằng máng tẩy ban đêm trong 3 tuần với carbamide peroxide 10%. Kỹ thuật này giúp làm giảm độ tương phản màu sắc giữa các đốm trắng và men răng bình thường xung quanh. Kết quả có sự cải thiện đáng kể so với ban đầu (Hình 2). 


Hình 2. a, b. Kết quả sau khi dùng kỹ thuật tẩy trắng bằng máng sau 3 tuần.



Tuy nhiên, đúng như dự kiến ban đầu, kết quả này chưa thoả mãn được mong muốn của BN. Do đó, tẩy trắng thì hai bằng kỹ thuật xoi mòn-thẩm thấu sâu được tiến hành sau đó vài tuần. 

Tiến hành đặt đê cách ly răng và môi trường miệng cũng như bảo vệ mô mềm xung quanh. Thực hiện vi mài mòn (microsablage - thổi cát) bằng nhôm oxide 50 micron trên các răng liên quan tại vị trí đốm trắng và vùng mô răng kế cận (Hình 3). 


Hình 3. Đặt đê và vi mài mòn (microsablage) bằng nhôm oxide.

Kỹ thuật này chỉ lấy đi một lớp men từ 100-300 micron để tiếp cận phần trần (plafond) của đốm trắng. Mục đích của điều trị này là tiếp cận phần men bệnh lý chứ không phải loại bỏ toàn bộ đốm trắng (Hình 4).

Hình 4. Tình trạng răng sau vi mài mòn. Lượng men răng bị loại bỏ rất ít để lộ phần đáy của tổn thương (đốm trắng).

Xoi mòn bằng chlorhydride acid 15% (ICON Etch(R) - DMG) lần lượt trên từng vị trí đốm trắng, để tác dụng trong 2 phút (Hình 5). Mục đích của xoi mòn để mở rộng các lỗ hổng (porosité) (do kém khoáng hoá) trong men răng ở các vị trí đã được mài mòn trước đó. Sau đó, rửa thật sạch để loại bỏ hết acid và thổi khô.

Hình 5. Xoi mòn bằng chlorhydride acid 15% (ICON Etch(R) - DMG), để tác dụng trong 2 phút.

Bôi ethanol 99% (ICON Dry(R) - DMG) lên phần mô răng đã xoi mòn trước đó, để yên trong 30 giây, thao tác này để kiểm tra đã tiếp cận được phần trần của đốm trắng hay chưa. Kết quả đạt yêu cầu nếu đốm trắng biến mất, mô răng trở nên trong suốt, như trong trường hợp của BN này (Hình 6b). Nếu đốm trắng vẫn còn, cần thực hiện lại quy trình vi mài mòn (thổi cát) - xoi mòn như trên.

Hình 6. a. Bôi ethanol 99% (ICON Dry); b. Đốm trắng biến mất sau khi bôi ethanol 99%

Sau khi kết quả đạt yêu cầu, thổi khô để làm bay hơi ethanol và bôi nhựa résine (ICON Infiltrant(R) - DMG). Đặt đai giữa răng 11 và 21 để tránh nhựa dư chèn vào mặt bên của hai răng. Cần bôi résine kỹ bằng cọ trong 3 phút (Hình 7a). Thổi hơi để loại bỏ nhựa thừa, quang trùng hợp mỗi vị trí trong 40 giây (Hình 7b).

Hình 7. a. Bôi nhựa resine (ICON Infiltrant(R) - DMG), cần bôi kỹ bằng cọ trong 3 phút; b.Quang trùng hợp từng vị trí trong 40 giây.

Bôi tiếp lớp nhựa thứ hai trong 1 phút, sau đó quang trùng hợp từng vị trí trong 40 giây. Đặt lớp composite mỏng màu men (Junior Enamel G-aenial, GC) để lấp đầy các vị trí đã mài mòn trước đó (Hình 8a). Nhựa résine thẩm thấu giữ vai trò là chất dán, composite được đặt trực tiếp ngay sau lớp nhựa résine thứ hai. Sau quang trùng hợp lần đầu (Hình 8b), bôi glycerine và quang trùng hợp thêm lần nữa. Lấy đai ra và đánh bóng cẩn thận.

Hình 8. a. Đặt lớp composite màu men mỏng lên các vị trí mất mô răng; b. Sau khi quang trùng hợp composite.

Tái đánh giá sau 15 ngày để kiểm tra hình ảnh quang học của đốm trắng sau khi được phục hồi. BN rất hài lòng về kết quả. 

Hình 9. Tái đánh giá sau15 ngày. Đặc điểm quang học của răng 11, 21 ở vị trí đốm trắng đã thay đổi so với trước điều trị.

Hình 10. Ảnh chụp thẳng khi cười sau can thiệp 15 ngày.

KẾT LUẬN 

Đối với trường hợp MIH, kỹ thuật xoi mòn-thẩm thấu sâu giúp đạt được kết quả điều trị tốt về mặt thẩm mỹ vì che lấp đi các đốm trắng, đồng thời cũng đảm bảo về mặt sinh học vì bảo tồn tối đa mô răng. Kết quả của điều trị có thể kiểm chứng ngay sau điều trị là yếu tố quan trọng khiến BN hài lòng. Can thiệp này chỉ lấy đi một lượng rất nhỏ men răng (vài phần mười milimet) để có thể tiếp cận phần trần của tổn thương kém khoáng hoá, cho thấy đây là một điều trị có tính bảo tồn cao trên BN MIH. Sau cùng, mặc dù để đảm bảo kết quả tốt cần tuân thủ quy trình đã nêu, tuy nhiên, thủ thuật khá đơn giản cho tất cả nha sĩ trong công việc điều trị hàng ngày.


Nhận xét

Bài đăng phổ biến